Thoái Hóa Cột Sống
Thoái hóa cột sống chiếm 10,41% số người mắc bệnh xương khớp. Tuy chưa trực tiếp cướp đi tính mạng nhưng tình trạng này lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thậm chí, nếu không được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như cong vẹo cột sống, bại liệt tay,…
Thoái hóa cột sống là gì
Thóa hóa cột sống tiếng Anh là Degenerative spine. Đây là bệnh lý mãn tính gây ra sự biến đổi hình thái sụn khớp, bào mòn đĩa đệm. Cùng với đó, phần xương dưới sụn, màng hoạt dịch cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Đáng chú ý, bệnh lý này gây ra các cơn đau, làm biến dạng cột sống, khiến bệnh nhân khó khăn trong vận động nhưng không có biểu hiện viêm.
Căn cứ vào vị trí ảnh hưởng, thoái hóa cột sống được chia thành: Thoái hóa cột sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng. Cả hai tình trạng này đều diễn tiến âm thầm nhưng lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống
Theo các bác sĩ, tình trạng y khoa này có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, căn nguyên gây bệnh được chia làm 2 nhóm chính:
Nguyên nhân nguyên phát
Càng lớn tuổi, cơ thể càng suy yếu. Kèm theo đó, quá trình lão hóa làm cho cấu trúc cột sống bắt đầu thay đổi, đĩa đệm mất nước, dây chằng xơ hóa, mô sụn hao mòn,… Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào lối sống, thói quen sinh hoạt, vận động của mỗi người. Bởi vậy mà có những người bị thoái hóa ngay khi còn trẻ, nhưng cũng có người đến khi 50-60 tuổi mới gặp phải tình trạng này.
Nguyên nhân thứ phát
Nguyên nhân thoái hoá cột sống thứ phát bao gồm các yếu tố sau:
- Các chấn thương ở cột sống: Tình trạng này có thể làm cho sụn khớp và đĩa đệm bị tổn thương. Dần dần, khả năng chịu lực của cột sống bị giảm đáng kể, rồi suy yếu và dẫn đến thoái hóa.
- Điều kiện sống: Khi chất lượng cuộc sống thấp, ăn uống không đầy đủ, thiếu chất làm ảnh hưởng đến hoạt động của màng mô sụn khớp và màng dịch khớp.
- Lao động nặng nhọc: Những người thường xuyên phải bê vác, gánh nặng trong các tư thế khom lưng sẽ gây ra áp lực lớn với sụn khớp và đĩa đệm.
- Tư thế sinh hoạt sai: Ngồi nhiều, ít vận động, nằm sai tư thế, thường xuyên tập thể dục thể thao không hợp lý,… cũng có thể gây thoái hóa cột sống.
- Các nguyên nhân khác: Bệnh lý béo phì, những người thường xuyên sử dụng chất kích thích (thuốc lá, rượu bia…).
Đối tượng bệnh lý
Theo thống kê, tại Việt Nam cứ 10 người lại có 6 người bị thoái hóa cột sống. Trong đó, tỷ lệ nữ giới chiếm 62%, nam giới chiếm khoảng 37%. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra, trong số các bệnh nhân bị thoái hóa cột sống, có tới 44% người có biểu hiện đau lưng, gần 30% trong số họ bị đau cổ.
Thoái hóa cột sống có nguy cơ xảy ra cao ở nhóm đối tượng sau:
- Nghiên cứu từ Viện Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon) cho biết, ước tính 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa cột sống.
- Với người dưới 45 tuổi, thoái hóa cột sống xuất hiện nhiều ở nam giới. Ngược lại sau 45 tuổi, tình trạng bệnh xuất hiện nhiều ở nữ giới.
- Người thừa cân, béo phì là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống do trọng lượng cơ thể lớn khiến sụn khớp, đĩa đệm và xương dưới sụn bị tổn thương.
- Người có tiền sử chấn thương hoặc viêm xương khớp.
- Những người làm công việc văn phòng hoặc hoạt động thể lực mạnh.
Triệu chứng gây thoái hóa cột sống
Triệu chứng thoái hóa cột sống tương đối đa dạng, tùy thuộc vào từng vị trí bị thoái hóa mà người bệnh sẽ gặp phải những dấu hiệu khác nhau. Tình trạng thoái hóa thắt lưng và cổ thường gây ra những biểu hiện lâm sàng như sau:
Thoái hóa cột sống cổ
Do nằm ở vị trí khác với cột sống lưng nên tình trạng thoái hóa cột sống cổ cũng phát ra những “tín hiệu” khác biệt:
- Các cơn đau kéo dài âm ỉ, vùng cổ co cứng. Cơn đau sẽ liên tục tăng lên khi người bệnh thực hiện các động tác liên quan đến cổ như: Cúi đầu, xoay cổ, ngửa cổ, ngồi lâu ở 1 tư thế, thậm chí là ho hoặc hắt hơi.
- Cơn đau bắt đầu từ cổ rồi lan xuống một hoặc cả hai cánh tay. Đôi khi, tình trạng đau có thể lan ra cả vùng gáy và khu vực quanh khớp vai. Những cơn đau này thường khiến bệnh nhân bị nhức sâu trong cơ xương.
- Kèm theo cảm giác đau nhức là tình trạng chóng mặt, ù tai, hoa mắt, nhức đầu, vùng vai và cánh tay bị teo.
- Cánh tay bị tê, có cảm giác như kiến bò. Cảm giác này sau đó có thể lan xuống đầu ngón tay.
Thoái hóa cột sống ngực
Mặc dù không phải là bệnh lý phổ biến nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan trước tình trạng này. Khi các đốt sống ngực bị thoái hóa có thể gây ra những biểu hiện sau:
- Vùng lưng giữa đau tức, kèm theo đó là tình trạng đau, tức ngực.
- Đau mạn sườn và dây thần kinh liên sườn.
- Gặp nhiều vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, đi ngoài không kiểm soát. Đồng thời, chức năng tiểu tiện, đường ruột và bàng quang bị rối loạn.
Bệnh thoái hoá cột sống lưng
Thoái hoá cột sống thắt lưng là tình trạng phổ biến, có thể xuất hiện sau tuổi 35. Thoái hoá đốt sống lưng thường xuất hiện với các triệu chứng như:
- Phần khớp liên đốt cột sống kém linh hoạt, nhất là khi mới ngủ dậy. Điều này làm cho bệnh nhân khó xoay người hoặc trở mình, nếu cố sẽ gây đau đớn.
- Vùng cột sống đau âm ỉ kéo dài, các cơn đau sẽ gia tăng cấp độ khi vận động mạnh. Trái lại, khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, cơn đau sẽ thuyên giảm hẳn.
- Đau dọc dây thần kinh tọa.
- Cột sống phát ra tiếng lạo xạo khi cử động.
- Khi bệnh đã tiến triển nặng, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng cong vẹo cột sống, gù, luôn phải đứng trong thế khom người để giảm đau.
Biến chứng khi bị thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng có chữa được không, có nguy hiểm không,… là băn khoăn của nhiều người. Thực tế, tình trạng này không trực tiếp đe dọa tính mạng người bệnh nhưng lại là căn nguyên dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống.
- Gai cột sống: Tình trạng này đây đau buốt vùng cổ và thắt lưng sau đó lan ra tay và làm bệnh nhân hạ huyết áp, khó thở. Gai cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể áp dụng các biện pháp làm giảm triệu chứng bệnh.
- Đau dây thần kinh tọa: Gây đau nhức cột sống, cẳng chân, xương đùi, mắt cá chân,… Bệnh có thể khỏi theo thời gian nhưng cũng cần được thăm khám để tình trạng mau chóng cải thiện.
- Cong vẹo cột sống: Ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, gây ra nhiều cơn đau ở lưng và thắt lưng. Đôi khi bệnh nhân còn bị căng cơ, căng khớp. Mặt khác tình trạng này còn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim và phổi.
Chẩn đoán bệnh học
Thoái hóa cột sống không gây ra các triệu chứng như thiếu máu, sốt, sút cân mà chỉ khiến bệnh nhân đau khu trú ở cột sống. Do vậy, việc chẩn đoán thông qua các dấu hiệu của bệnh là hết sức khó khăn, cần nhờ đến sự hỗ trợ của chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ hoặc xét nghiệm máu. Cụ thể như sau:
- Chụp X-Quang: Là phương pháp cho hình ảnh cột sống với độ chính xác cao. Thông thường, kết quả X-Quang sẽ cho biết tình trạng hẹp khe đĩa đệm, lỗ liên hợp đốt sống, đặc xương dưới sụn.
- Chụp MRI cột sống: Thường được chỉ định khi bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm.
- Xét nghiệm máu ngoại vi và sinh hóa: Là các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu nhằm xác định tình trạng sức khỏe và sàng lọc các bệnh lý khác.
Giải pháp điều trị thoái hóa cột sống
Do có bản chất là bệnh mãn tính nên các phương pháp điều trị thoái hóa cột sống hiện nay chủ yếu là giảm triệu chứng, làm chậm quá trình thoái hóa. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần tập luyện, thực hiện các bài tập phục hồi chức năng theo chỉ dẫn để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Hiện nay, thoái hóa cột sống có thể điều trị bằng các phương pháp sau:
Các biện pháp giảm đau cột sống tại nhà
Để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn, bệnh nhân cần kiên trì thực hiện các bài tập như giãn cơ bụng, cơ lưng, kéo giãn cột sống,… Ngoài ra, các động tác yoga cũng là lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân yêu thích bài tập nhẹ nhàng, cải thiện độ dẻo dai của cơ thể.
Bên cạnh việc tham gia các bài tập trị liệu, người bệnh cũng có thể cải thiện các triệu chứng thoái hóa, ngăn ngừa bệnh tiến triển với các bài thuốc sau:
Bài thuốc từ cây lá lốt
Lá lốt là loại dược liệu có ngay trong vườn nhà. Theo dân gian, lá lốt có chứa nhiều thành phần tốt cho xương khớp, giúp cải thiện nhiều vấn đề như sưng tấy, nhức mỏi ở xương.
Riêng với bệnh thoái hoá đốt sống lưng, dược chất có trong lá lốt giúp ngăn chặn diễn tiến của bệnh. Đồng thời cải thiện đau nhức cùng một số triệu chứng điển hình khác.
Nguyên liệu: Rau lá lốt, ngải cứu mỗi loại 20gr; Giấm gạo 300ml.
Cách thực hiện:
- Đem rau ngải cứu và lá lốt đi rửa sạch, cho vào nồi.
- Rót giấm vào, đun sôi trong khoảng 15 phút.
- Đỗ hỗn hợp nước ra bát sau đó lấy bông y tế thấm vào rồi thoa vào các vùng đau nhức trên cột sống.
Bài thuốc từ cây xương rồng
Dân gian cho rằng, xương rồng là loại cây có tính hàn, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt cơ thể hiệu quả. Cũng bởi sở hữu những đặc tính này mà xương rồng đem lại hiệu quả cao trong giảm đau, tiêu viêm, cải thiện hiệu quả tình trạng thoái hóa cột sống và nhiều vấn đề khác về xương khớp.
Nguyên liệu: 3 nhánh xương rồng, một ít lá chuối hột, 200gr cám gạo, 100ml giấm.
Cách thực hiện:
- Dùng dao loại bỏ gai xương rồng rồi rửa hoặc ngâm với nước muối trong vài phút. Vớt xương rồng ra để ráo rồi băm nhuyễn, sau đó cho vào trộn đều với giấm và cám gạo.
- Đặt chảo lên bếp, cho hỗn hợp vào đảo đều cho đến khi tất cả các nguyên liệu quyện vào nhau.
- Trải lá chuối hột lên sàn, đổ hỗn hợp vào mặt trong của lá. Sau đó lấy một tấm lá khác đậy lên bên trên.
- Nằm trên tấm lá chuối sao cho cột sống trùng với phần chính giữa của hỗn hợp vừa thu được cho đến khi nguội hẳn. Thực hiện 1-2 lần/ngày.
Bài thuốc từ cây ngải cứu
Trong dân gian, cây ngải cứu có tác dụng hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề về xương khớp. Với bệnh lý thoái hoá đốt sống thắt lưng, rau ngải cứu được xem là “khắc tinh” giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải.
Nguyên liệu: 1 nắm lá ngải cứu (khoảng 200gr), muối biển.
Cách thực hiện:
- Lá ngải cứu rửa sạch, ngâm với nước vài phút rồi rửa lại cho hết đất cát.
- Đặt chảo lên bếp, cho ngải cứu vào sao vàng cùng chút muối hạt.
- Dùng hỗn hợp thu được đắp lên vùng xương đau nhức. Nên thực hiện bài thuốc này 1-2 lần mỗi ngày để các cơn đau được thuyên giảm.
Lưu ý: Bên cạnh cách dùng lá ngải cứu đắp ngoài, người bệnh có thể nấu nước ngải cứu với mật ong uống ngày 1 lần. Sau khoảng 2 tuần áp dụng, triệu chứng đau nhức do thoái hóa sẽ được cải thiện.
Biện pháp điều trị của Tây y
Trong điều trị thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ,… Tây y hiện đang áp dụng 2 biện pháp chính là dùng thuốc và phẫu thuật cột sống. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi bệnh nhân, mức độ thoái hóa mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Điều trị nội khoa
Căn cứ vào kết quả thăm khám, chẩn đoán bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một hoặc kết hợp các thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Thường là Paracetamol hoặc Efferalgan. Trong trường hợp thoái hóa nặng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng Opiat hoặc Tramadol.
- Các loại thuốc chống viêm giảm đau không steroid: Phổ biến nhất là Meloxicam, Ibuprofen, Piroxicam,… Một số trường hợp chỉ cần bôi thuốc ngoài da như Profenid, Diclofenac.
- Thuốc giãn cơ: Gồm Eperison, Tolperisone.
- Nhóm thuốc giảm đau thần kinh: Được chỉ định khi bệnh nhân bị chèn ép rễ, thông dụng nhất là Mecobalamin, Gabapentin, các loại vitamin nhóm B.
- Các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Glucosamine sulfate, Piascledine,…
- Thuốc tiêm ngoài Corticoid: Dùng khi bệnh nhân đau rễ thần kinh tọa, tủy sống bị chèn ép.
Phẫu thuật cột sống
Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống gây ra tình trạng đau dây thần kinh tọa, việc sử dụng thuốc nội khoa không đáp ứng.
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, chụp cộng hưởng từ, chụp X-Quang. Tương tự như với các bệnh lý khác, phẫu thuật cột sống ít được khuyến khích, chỉ được thực hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.
Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, biện pháp phẫu thuật không chữa trị triệt để bệnh. Can thiệp ngoại khoa này chỉ có tác dụng hỗ trợ phục hồi chức năng cột sống, ngăn ngừa nguy cơ giảm khả năng vận động, cải thiện và đưa các đốt sống về trạng thái giống ban đầu nhất.
Lưu ý khi điều trị
Chế độ ăn uống luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị thoái hóa cột sống. Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lựa chọn các thực phẩm an toàn, đồng thời tránh xa những loại đồ ăn làm gia tăng triệu chứng của bệnh.
Các loại thực phẩm nên bổ sung
Nhóm các thực phẩm tốt cho bệnh nhân thoái hóa cột sống gồm:
- Các loại cá béo: Cung cấp lượng lớn nguồn dinh dưỡng cho cơ thể người bệnh, giàu Omega 3 và các acid béo không nó. Nhờ vậy, các cơn đau của bệnh được thuyên giảm, phản ứng viêm cũng bị ức chế. Các loại cá béo bao gồm: Cá thu, cá hồi, cá trích, cá cơm…
- Nước hầm xương: Chữa hai thành phần Glucosamine và Chondroitin. Đây là hai hoạt chất đóng vai trò quan trọng trong cấu tạo sụn khớp. Do vậy, người bệnh nên bổ sung các loại nước hầm xương ống bò, xương ống lợn để cột sống thêm linh hoạt, loại bỏ tê cứng hiệu quả.
- Thực phẩm giàu canxi: Nhóm thực phẩm này có tác dụng phục hồi tổn thương, tái tạo tế bào xương. Phổ biến nhất là các loại động vật có vỏ: Nghêu, ốc, sò,…
- Các loại rau xanh và trái cây: Đây là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin chủ yếu cho cơ thể. Người bệnh nên ưu tiên sử dụng súp lơ, cà rốt, quýt, táo, bưởi,…
- Ngũ cốc: Là thực phẩm giàu chất xơ, các chất chống oxy hóa, omega 3,.. Đây là những chất có tác dụng ức chế hoạt động của gốc tự do, không cho chúng làm hại tế bào xương. Từ đó, quá trình phục hồi thoái hóa ở người bệnh diễn ra nhanh hơn.
Các loại thực phẩm bệnh nhân thoái hóa cột sống nên kiêng
Nếu không may gặp các vấn đề về xương khớp, nhất là thoái hóa đốt sống, người bệnh cần hạn chế:
- Đường: Là nguyên liệu kích thích phản ứng viêm, khiến tình trạng thoái hóa trầm trọng hơn. Người bệnh nên hạn chế các chất ngọt nhân tạo, thay vào đó là ưu tiên các món chứa vị ngọt tự nhiên như mật ong, siro.
- Các món chiên xào, nhiều cholesterol: Những món ăn này làm tăng hàm lượng lớn cholesterol trong máu, từ đó cản trở tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất đến cột sống. Vì vậy mà những món chiên xào có thể khiến tình trạng thoái hóa trầm trọng hơn.
- Bột mì trắng: Loại thực phẩm này có tác dụng làm tăng phản ứng viêm, sưng cột sống. Do vậy, bệnh nhân cần hạn chế các loại thực phẩm từ bột mì trắng, tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn.
- Rượu bia, chất kích thích: Là những loại đồ uống gây hại cho sức khỏe, làm giảm sức đề kháng. Từ đó gia tăng tình trạng thoái hóa.
Phòng tránh bệnh học
Thoái hóa cột sống nguyên phát hình thành do quá trình lão hóa nên không thể ngăn cản nhưng có thể làm chậm diễn biến của bệnh bằng chính các thói quen hằng ngày.
- Hạn chế mang vác đồ nặng, không lao động nặng nhọc để tránh làm tổn thương cột sống.
- Thường xuyên tập luyện thể thao nhưng cần tuân thủ đúng cường độ, đúng phương pháp của bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng.
- Luôn ngồi làm việc, học tập đúng tư thế để tránh làm cong vẹo cột sống, dẫn đến thoái hóa.
- Không ngủ trong tư thế gối đầu quá cao, hạn chế nằm sấp. Đồng thời nên thường xuyên đổi tư thế khi ngủ.
- Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, đủ chất. Nên tăng cường các món ăn có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm quá trình thoái hóa.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tốt nhất là thăm khám định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ thoái hóa, từ đó kịp thời có biện pháp can thiệp.
Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn đọc hình dung được sơ qua về bện thoái hóa cột sống cũng như nguyên nhân và cách điều trị bệnh hiệu quả. Để được tư vấn chính xác cũng như điều trị bệnh chuẩn y khoa. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được khám và điều trị bệnh sớm nhất.
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!