Viêm Cổ Tử Cung

Viêm cổ tử cung là bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em phụ nữ, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh sản nếu không được điều trị kịp thời. Làm thế nào để nhận biết viêm cổ tử cung và cách điều trị như thế nào là vấn đề được nhiều chị em phụ nữ quan tâm. 

Viêm cổ tử cung là gì? 

Viêm cổ tử cung (thuật ngữ Tiếng Anh là Cervicitis) là tình trạng viêm, sưng, lở loét ở cổ tử cung do các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây nên.

Hình ảnh cổ tử cung bị viêm
Hình ảnh cổ tử cung bị viêm

Bệnh được chia làm 2 cấp độ là viêm cổ tử cung cấp tính và mãn tính. Viêm cổ tử cung cấp tính khi không được phát hiện và điều trị hợp lý sẽ tái phát nhiều lần và dần chuyển thành viêm cổ tử cung mãn tính.

  • Viêm cổ tử cung cấp tính: Là thời kỳ khởi phát và nhiễm trùng lớp lót, viêm nhiễm chưa lan rộng ra các cơ quan xung quanh, người bệnh có thể đáp ứng tốt với thuốc điều trị.
  • Viêm cổ tử cung mãn tính: Là giai đoạn tái phát nhiều lần sau điều trị không có hiệu quả, nhiễm trùng lan rộng; người bệnh có nguy cơ gặp nhiều biến chứng cao hơn.

Biểu hiện của bệnh khá giống viêm âm đạo, đều ra huyết trắng đục có mùi khó chịu, ngứa, xuất huyết âm đạo, đau rát khi quan hệ tình dục,… Viêm cổ tử cung cần được điều trị kịp nếu nếu không sẽ làm giảm chức năng miễn dịch của cổ tử cung và âm đạo, tăng khả năng mắc các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, thậm chí là HIV.

Nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung

Có khá nhiều nguyên nhân gây viêm cổ tử cung ở phụ nữ, điển hình nhất là những tác nhân sau đây:

Viêm nhiễm do vi khuẩn, virus

Các ký sinh trùng gây nhiễm trùng cổ tử cung thường gặp bao gồm: vi khuẩn lậu (Neisseria Gonorrhoeae), Chlamydia, Herpes sinh dục, Trichomonas, Mycoplasma và Ureaplasma. Người bệnh có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus khi quan hệ với người có mầm bệnh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không phải do nhiễm khuẩn qua đường tình dục mà do thói quen vệ sinh, thói quen sinh hoạt, sự thay đổi môi trường âm đạo gây nên.

Vi khuẩn gây viêm cổ tử cung
Vi khuẩn gây viêm cổ tử cung

Quan hệ tình dục quá sớm và quá nhiều

Nhiều bạn gái bắt đầu quan hệ tình dục khi còn quá trẻ dẫn đến mang thai sớm trong khi các cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện. Điều này rất dễ gây ra những tổn thương cho cơ quan sinh sản.

Bên cạnh đó, việc giao hợp liên tục với tần suất cao trong thời gian ngắn hay có nhiều bạn tình khác nhau trong một thời điểm cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nói chung và viêm cổ tử cung nói riêng. Bạn tình hoặc chồng quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người khác thì cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm cổ tử cung cho chị em.

Quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn như giao hợp quá thô bạo, không sử dụng bao cao su bảo vệ có thể khiến âm đạo, tử cung bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Nguy hiểm hơn là bạn tình mắc các bệnh xã hội như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà lại càng làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, virus và gây bệnh viêm nhiễm.

Dị ứng với các chất tiếp xúc

Vùng cơ quan sinh dục nữ là vị trí vô cùng nhạy cảm, vì thế không ít trường hợp vùng kín bị dị ứng với một số thành phần, vật dụng tiếp xúc gần gây nên các bệnh lý viêm nhiễm.

Dị ứng có thể là do các chất trong bao cao su, trong băng vệ sinh hoặc các thành phần của dung dịch vệ sinh phụ nữ có dược tính quá mạnh.

Mất cân bằng môi trường âm đạo

Môi trường âm đạo sẽ có cả vi khuẩn có lợi và có hại. Khi vi khuẩn có hại tăng lên, lấn át vi khuẩn có lợi gây mất cân bằng và đồng thời tấn công gây bệnh.

Thông thường, việc mất cân bằng môi trường âm đạo là do quá trình chăm sóc, vệ sinh quá mạnh bạo; hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín không phù hợp khiến lợi khuẩn bị tiêu diệt. Lúc này các vi khuẩn có hại trong âm đạo sẽ phát triển mạnh mẽ và gây ra bệnh.

Rối loạn nội tiết tố

Estrogen sản xuất ít hơn do mất cân bằng nội tiết, trong khi đó nồng độ hormone progesterone ngày càng tăng cao. Điều này khiến các tế bào mô cổ tử cung không có sức đề kháng, dễ bị các vi sinh vật gây hại xâm nhập.

Rối loạn nội tiết tố thường là lúc phụ nữ đang trong những thời kỳ đặc biệt như mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh,…

Nạo phá thai không an toàn

Những chị em đã từng phá thai thường có nguy cơ viêm nhiễm cao hơn bình thường. Đặc biệt là những trường hợp nạo phá thai không an toàn, chăm sóc hậu phẫu thuật chưa tốt.

Nguyên nhân là do khi tiến hành phá thai, tử cung và cổ tử cung phải chịu những tác động mạnh khiến tổn thương rất nặng nề. Trong trường hợp, phá thai không an toàn, viêm nhiễm có thể đến từ các dụng cụ y tế sử dụng. Điều này thường gây nên tình trạng viêm cổ tử cung rất nặng.

Nạo phá thai không an toàn có thể khiến cổ tử cung bị viêm
Nạo phá thai không an toàn có thể khiến cổ tử cung bị viêm

Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Một số trường hợp có kinh nguyệt không đều như rong kinh, rong huyết khiến tổ tử cung luôn ở trạng thái mở để máu kinh thoát ra ngoài. Lúc này âm đạo thường xuyên ẩm ướt, các vi khuẩn, nấm sẽ dễ dàng xâm nhập vào âm đạo gây bệnh hơn so với bình thường.

Đối tượng bệnh lý

Theo nhiều số liệu nghiên cứu, số trường hợp bị viêm cổ tử cung chiếm tới 50% chị em phụ nữ ở độ tuổi 20 – 50, trong đó phụ nữ đã trải qua thời kỳ sinh nở có tỉ lệ mắc bệnh lên tới 90%.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cổ tử cung bao gồm:

  • Người thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn
  • Từng mắc bệnh lây qua đường tình dục
  • Từng bị viêm cổ tử cung
  • Có hệ miễn dịch vùng âm đạo yếu do bẩm sinh, do mắc bệnh hoặc đang điều trị bệnh khác (như phải cấy ghép nội tạng hoặc phải trị viêm thấp khớp…).
Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ cao bị viêm cổ tử cung
Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ cao bị viêm cổ tử cung

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Triệu chứng của bệnh viêm cổ tử cung

Nhiều chị em phụ nữ mắc bệnh không có có biểu hiện triệu chứng nào, khi đó, bệnh chỉ được phát hiện khi kiểm tra định kỳ hoặc bệnh nhân đi khám vì một bệnh lý liên quan khác. Tuy nhiên, có một vài triệu chứng của viêm cổ tử cung có thể chú ý là:

  • Âm đạo đau, ngứa.
  • Khí hư bất thường có màu trắng đục, vàng hoặc xanh, có bọt và có mùi khó chịu.
  • Ngứa ngáy vùng kín.
Viêm cổ tử cung gây ngứa ngáy
Viêm cổ tử cung gây ngứa ngáy
  • Thường xuyên có cảm giác đau buốt khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu rắt…
  • Đau rát khi quan hệ tình dục và đau suốt quá trình giao hợp.
  • Đau bụng dưới kèm đau lưng dù không phải ngày kinh.
  • Xuất huyết bất thường chẳng hạn như chảy máu âm đạo khi giao hợp, giữa các kỳ sinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh. Nếu tình trạng chảy máu kéo dài có thể khiến chị em rơi vào tình trạng thiếu máu.

Khi phát hiện các triệu chứng này, bạn cần đến các cơ sở y tế, các bệnh viện để được thăm khám sớm, xác định chính xác mức độ của bệnh và có phương án điều trị hợp lý.

Biến chứng

Cổ tử cung trong cơ thể được ví như một “hàng rào” bảo vệ tử cung trước sự xâm nhập ồ ạt của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng. Khi cổ tử cung bị viêm nhiễm, toàn bộ tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, nếu bệnh là do vi khuẩn Lậu hoặc Chlamydia thì niêm mạc tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng… đều có nguy cơ cao bị nhiễm trùng theo, người bệnh có thể gặp các biến chứng:

  • Viêm vùng chậu: Cổ tử cung bị nhiễm trùng khiến các vi khuẩn có điều kiện lây lan nhanh chóng đến tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng…và từ đó hình thành viêm vùng chậu (PID).
  • Vô sinh – hiếm muộn: Khi bị viêm, môi trường âm đạo thay đổi, cản trở quá trình trứng gặp tinh trùng, làm tăng nguy cơ vô sinh ở phái nữ.
  • Ung thư cổ tử cung: Biến chứng nguy hiểm bậc nhất của bệnh là gây ung thư cổ tử cung khi các tế bào lát tăng sinh và xâm lấn từ bên ngoài.
  • Ảnh hưởng đến thai nhi nếu đang trong thai kỳ: Nếu chị em phụ nữ mắc bệnh trong giai đoạn đang mang bầu, nguy cơ nhiễm trùng nước ối, rỉ ối là rất cao. Khi xảy ra những trường hợp này, thai nhi trong bụng sẽ phải chịu những ảnh hưởng nhất định.
Viêm cổ tử cung nếu không phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến ung thư
Viêm cổ tử cung nếu không phát hiện và điều trị hiệu quả có thể dẫn đến ung thư

Nếu bệnh được phát hiện, điều trị dứt điểm từ sớm sẽ không gây biến chứng khó lường tại các cơ quan lân cận. Vì thế, chị em phụ nữ tuyệt đối không nên chủ quan với căn bệnh này.

Chẩn đoán bệnh học

Để chẩn đoán bệnh viêm cổ tử cung, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng hiện tại, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật. Sau khi khai thác xong, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra như sau:

  • Khám vùng chậu: Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt đặt trong âm đạo để kiểm tra vùng âm đạo và cổ tử cung có bị sưng, đau, vết đỏ hoặc vết loét, dịch bất thường .
  • Lấy dịch âm đạo: Bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông nhỏ hoặc bàn chải phết nhẹ để lấy mẫu dịch ở cổ tử cung và âm đạo. Bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem nguyên nhân dẫn đến viêm có phải là do nhiễm trùng hay không và nếu có thì loại nào. Ngoài ra, Pap smear là một xét nghiệm được sử dụng để loại trừ khả năng người bệnh mắc tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.
Phương pháp soi tươi dịch âm đạo
Phương pháp soi tươi dịch âm đạo

Bệnh có điều trị được không? 

Bệnh viêm cổ tử cung được chia làm 2 dạng chính là dạng cấp tính và mãn tính.

Viêm cổ tử cung có chữa được không?
Viêm cổ tử cung có chữa được không?

Với trường hợp cấp tính, hầu hết bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặt âm đạo kèm thuốc uống. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục. Mầm bệnh có thể được loại bỏ sau 1 đợt dùng thuốc nhưng cũng có thể không. Thời gian điều trị dài hay ngắn, có thể chữa khỏi không còn tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Viêm cổ tử cung khi chuyển sang mãn tính có nghĩa là tình trạng bệnh đã trở nên nặng và cần phải tiến hành điều trị ngay. Thông thường, bệnh vẫn có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng cách. Phác đồ điều trị viêm cổ tử cung mãn tính hiện nay thường sẽ kết hợp nhiều phương pháp với nhau nhằm tăng hiệu quả điều trị.

Giải pháp điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm, mức độ tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định và xây dựng phác đồ điều trị khác nhau.

Một số biện pháp điều trị viêm cổ tử cung phổ biến, được sử dụng nhiều hiện nay có thể kể đến như sau:

Cách chữa viêm cổ tử cung bằng cây thuốc nam tại nhà

Điều trị bằng cây thuốc nam tại là là biện pháp được nhiều người bệnh ưa dùng. Trên thực tế, có nhiều bài thuốc nam giúp giảm triệu chứng viêm cổ tử cung đáng kể, trong đó phải kể đến:

  • Lá trầu không: Người bệnh lấy một nắm lá trầu không tươi rửa thật sạch, thái nhỏ và đun cùng nước. Dùng nước lá trầu không xông vùng kín mỗi ngày từ 10 – 15 phút để giảm hỗ trợ diệt khuẩn, giảm khí hư xấu.
  • Trinh nữ hoàng cung: Ở phương pháp này cần chuẩn bị một nắm lá trinh nữ hoàng cung, rửa sạch và phơi khô, sau đó thái nhỏ rồi đem sao nóng. Mỗi ngày lấy một ít trinh nữ hoàng cung khô hãm thành trà và uống 2 lần để đạt được hiệu quả chữa bệnh.
  • Gừng tươi: Người bệnh chuẩn bị từ 40 – 50g gừng tươi đem rửa sạch với nước và đập dập. Đun 1 lít nước đến khi sôi rồi cho gừng vào đun vào 2 phút để tinh dầu gừng hòa vào nước. Cho nước ra chậu để hạ nhiệt rồi dùng để ngâm, rửa vùng kín hằng ngày.
  • Rau diếp cá: Người bệnh chuẩn bị lá diếp cá tươi và lá ngải cứu, đem rửa sạch với nước muối, sau đó đem cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn cùng một ít nước. Lọc phần nước cốt pha với nước ấm để uống mỗi ngày 2 lần. Phương pháp này ngoài điều trị viêm cổ tử cung còn giúp cải thiện chứng kinh nguyệt không đều.
Trinh nữ hoàng cung chữa viêm cổ tử cung
Trinh nữ hoàng cung chữa viêm cổ tử cung

Tuy nhiên các mẹo dân gian chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng lâm sàng và không thể loại bỏ tình trạng viêm nhiễm hoàn toàn. Người bệnh chỉ nên dùng mẹo dân gian như một biện pháp hỗ trợ, kết hợp cùng với Đông y hoặc Tây y để đạt hiệu quả điều trị viêm cổ tử cung cao nhất.

Điều trị bằng Tây y

Điều trị bằng Tây y có 2 phương pháp phổ biến được sử dụng nhiều nhất hiện nay là: Dùng thuốc điều trị nội khoa và Can thiệp ngoại khoa. Tùy vào mức độ viêm nhiễm của bệnh nhân và nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.

Dùng thuốc điều trị nội khoa

Các thuốc điều trị viêm cổ tử cung bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc kháng viêm giúp giảm phù nề:

  • Thuốc trị viêm cổ tử cung do vi khuẩn lậu: Ceftriaxone (Rocephin), Azithromycin,…
  • Thuốc trị viêm cổ tử cung do Chlamydia: Azithromycin, Levofloxacin, Ofloxacin, Doxycycline,…
  • Thuốc trị viêm cổ tử cung do Trichomonas: Metronidazole.
  • Thuốc trị viêm cổ tử cung do virus Herpes: Aciclovir, Famciclovir, Valacyclovir,…

Các thuốc kháng sinh, kháng viêm thường được chỉ định sử dụng kéo dài trong khoảng 5 – 14 ngày. Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh không nên quan hệ tình dục để thuốc đạt hiệu quả điều trị tốt.

Nếu người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ sẽ hẹn tái khám, đánh giá, xây dựng lại phác đồ điều trị. Trường hợp viêm cổ tử cung tiếp tục có diễn biến xấu và có nguy cơ biến chứng cao thì người bệnh có thể được đề nghị điều trị ngoại khoa.

Can thiệp ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa thường được khuyến khích trong trường hợp bệnh nhân mãn tính và không thể kiểm soát tốt bằng thuốc. Các thủ thuật thường được áp dụng hiện nay bao gồm: Phẫu thuật lạnh, đốt viêm cổ tử cung, liệu pháp Laser.

Phương pháp áp lạnh cổ tử cung
Phương pháp áp lạnh cổ tử cung

Việc áp dụng thủ thuật nào còn phụ thuộc vào từng thể trạng của người bệnh cũng như mức độ tổn thương cổ tử cung. Sau khi thăm khám kỹ càng, bác sĩ sẽ đưa ra đề nghị cụ thể với từng đối tượng người bệnh.

Tuy nhiên, chi phí để thực hiện phẫu thuật bao giờ cũng cao hơn so với điều trị nội khoa do đó người bệnh cũng cần cân nhắc kỹ. Hơn nữa, điều trị ngoại khoa có thể có nguy cơ gặp biến chứng như xuất huyết, di chứng vĩnh viễn,… và cũng không đảm bảo điều trị dứt điểm viêm cổ tử cung.

Lưu ý khi điều trị viêm cổ tử cung

Khi viêm cổ tử cung, bên cạnh việc điều trị bệnh thì cách vệ sinh vùng kín cũng là một vấn đề đặc biệt cần được chị em chú ý. Để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, hạn chế trình trạng viêm, tái nhiễm bệnh chị em có thể áp dụng:

  • Vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng cách sử dụng nước ấm, nước muối sinh lý pha loãng hoặc bằng các dung dịch vệ sinh có pH phù hợp theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Vệ sinh mỗi ngày từ 2 – 3 lần và không lạm dụng dung dịch vệ sinh vì có thể sẽ khiến cho mất cân bằng môi trường âm đạo; tạo điều kiện cho các tác nhân có hại xâm nhập vào vùng kín và gây viêm, khiến viêm cổ tử cung lâu lành hơn.
  • Khi vệ sinh thì nên vệ sinh từ trước ra sau để hạn chế các tác nhân có hại ở hậu môn và từ bên ngoài xâm nhập vào âm đạo.
  • Không được gãi hay tác động mạnh đến vùng kín khi vệ sinh để tránh các tổn thương. Hạn chế việc thụt rửa âm đạo bằng các dụng cụ, nên dùng tay vệ sinh nhẹ nhàng.
  • Mặc đồ lót rộng rãi, khô thoáng và làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi. Đồ lót ẩm ướt và chật chội sẽ khiến cho viêm nhiễm có điều kiện phát triển.
Vệ sinh vùng kín đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả điều trị viêm cổ tử cung
Vệ sinh vùng kín đúng cách góp phần nâng cao hiệu quả điều trị viêm cổ tử cung

Bên cạnh đó, để việc điều trị viêm cổ tử cung phát huy hiệu quả tốt và đẩy nhanh tiến trình hồi phục của cơ thể, người bệnh cần chú ý hơn trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hàng ngày bằng cách:

Bổ sung các thực phẩm:

  • Sữa chua: Sữa chua là thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể.
  • Thực phẩm giàu omega – 3: Cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ chứa axit omega 3 cung cấp chất béo tốt và giảm sưng viêm hiệu quả.
  • Rau xanh và trái cây tươi: Các loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các loại rau nhà cải, trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, dâu tây, việt quất…

Hạn chế sử dụng:

  • Thực phẩm cay nóng: Thức ăn chứa nhiều tiêu, ớt làm cơ thể tích tụ nhiệt độc.
  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ nhiều đường: Các thức ăn này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm nhiễm.
  • Một số loại hải sản: Hải sản như tôm, mực, ghẹ, hàu…có tính hàn không tốt cho khí huyết của phái nữ.
  • Thực phẩm chứa chất kích thích: Đồ uống có cồn như rượu, bia, thuốc lá…gây hại cho hệ miễn dịch và tăng nguy cơ gặp biến chứng viêm cổ tử cung.
Cần tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ trong khi điều trị viêm cổ tử cung
Cần tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ trong khi điều trị viêm cổ tử cung

Phòng tránh bệnh học

Bạn có thể giảm nguy cơ bị viêm cổ tử cung bằng cách thực hiện các bước sau:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh nhiễm vi khuẩn, kí sinh trùng như Lậu hoặc Chlamydia. Hạn chế quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ mạnh bạo.
  • Đảm bảo bạn tình không mắc bệnh xã hội, không quan hệ bừa bãi. Chủ động trao đổi với bạn tình về việc vệ sinh trước và sau khi quan hệ, giữ gìn vệ sinh cá nhân riêng.
  • Khám phụ khoa định kỳ 3 – 6 tháng để phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa liên quan. Chủ động điều trị triệt để ngay khi phát hiện bệnh.
Thăm khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm viêm cổ tử cung
Thăm khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm viêm cổ tử cung
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, hạn chế dùng dung dịch vệ sinh có dược tính mạnh thụt rửa. Không mặc đồ lót quá chật, bó sát người, không mặc quần áo khi chưa được làm khô hoàn toàn. Nên lựa chọn đồ lót từ chất liệu thoáng khí, thấm hút tốt.
  • Có biện pháp phòng tránh thai an toàn, hạn chế dùng các thủ thuật xâm lấn âm đạo hoặc cổ tử cung.
  • Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh khi không thực sự cần thiết. Các loại thuốc kháng sinh vô tình sẽ triệt tiêu vi khuẩn có lợi ở vùng kín phụ nữ.
  • Không nên sử dụng thuốc tránh thai có chứa Estrogen.
  • Tuyệt đối không sử dụng nước hoa xịt lên vùng kín, đây là vị trí rất nhạy cảm, có thể bị dị ứng, kích ứng với các hương liệu trong nước hoa.

Viêm cổ tử cung không chỉ mất khả năng sinh còn mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung rất nguy hiểm. Do vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể, chị em tuyệt đối không được chần chừ mà hãy đến ngay các bệnh viện hoặc cơ sở y tế để thăm khám và tiếp nhận điều trị.

Array

Chia sẻ

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top