Viêm Ống Dẫn Trứng

Viêm ống dẫn trứng là một bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Bệnh sẽ tác động xấu đến sức khỏe sinh sản của nữ giới. Vậy nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh là gì và cách điều trị ra sao? Hãy cùng nghe chuyên gia giải đáp trong bài viết bên dưới. 

Viêm ống dẫn trứng là gì?

Ống dẫn trứng hay còn gọi là vòi trứng là một bộ phận thuộc cơ quan sinh sản của phụ nữ. Nữ giới sẽ có hai ống dẫn trứng nối giữa hai buồng trứng và tử cung. 

Vòi trứng có chứa năng vận chuyển trứng và tinh trùng. Đồng thời, đây cũng là nơi gặp gỡ giữa tinh trùng đi vào và trứng từ trong buồng trứng đi ra. 

Viêm ống dẫn trứng là bệnh lý do vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm
Viêm ống dẫn trứng là bệnh lý do vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm

Viêm ống dẫn trứng là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở vòi trứng do vi khuẩn và một số tác nhân khác gây ra. Bệnh sẽ khởi phát do nhiễm trùng từ vùng âm đạo, sau đó lan sang tử cung và đi vào vòi trứng. 

Tương tự như những bệnh lý khác, viêm tắc ống dẫn trứng được chia thành hai giai đoạn:

  • Viêm ống dẫn trứng cấp tính: Nhiễm trùng xảy ra đột ngột và gây ra các triệu chứng nặng nề. Tuy nhiên, mức độ của bệnh nhẹ và thường được điều trị khỏi bằng nội khoa.
  • Viêm ống dẫn trứng mãn tính: Nhiễm trùng sẽ kéo dài gây hư hại các mô, đi kèm với đó là chảy mủ và tiết dịch bất thường. 

Viêm ống dẫn trứng là bệnh phụ khoa mà phụ nữ trong độ tuổi nào cũng có thể mắc phải. Bệnh xảy ra phổ biến nhất ở nữ giới trong độ tuổi sinh nở. 

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện tượng viêm nhiễm ở ống dẫn trứng thường do vi khuẩn Streptococcus, Staphylococcus hoặc Chlamydia gây ra. Các vi khuẩn này xâm nhập vào vòi trứng bởi những điều kiện sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục chính là thời điểm mà các loại vi khuẩn, nấm dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, đặc biệt khi bạn tình mắc những bệnh truyền nhiễm. Quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều bạn tình hoặc quan hệ trong những ngày hành kinh là những nguyên nhân gây viêm tắc vòi trứng. 
  • Phá thai: Phá thai không an toàn hoặc phá thai nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở cơ quan sinh sản. Nguy hiểm hơn, phá thai ở những cơ sở y tế kém chất lượng, dụng cụ không được vô trùng sẽ làm tăng khả năng vô sinh. 
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: Vùng kín không được vệ sinh thường xuyên sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt trong những ngày hành kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục, nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ thì vùng kín sẽ bị viêm nhiễm trầm trọng. 
  • Các thủ thuật ở bộ phận sinh dục: Khi tiến hành các thủ thuật như đặt vòng, sinh con, tiểu phẫu vùng chậu, vi khuẩn dễ lây nhiễm thông qua các dụng cụ y tế hoặc vệ sinh không sạch sẽ sau khi thực hiện. 
  • Tiền sử mắc bệnh về sinh dục: Nếu bạn từng mắc các bệnh phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm buồng trứng… chưa được điều trị triệt để thì mầm bệnh sẽ lây lan sang các cơ quan khác. 

Triệu chứng viêm ống dẫn trứng

Dấu hiệu viêm ống dẫn trứng ở giai đoạn cấp tính thường nặng nề hơn. Tuy nhiên, khi bệnh bước sang giai đoạn mãn tính, triệu chứng thường diễn ra âm thầm, khó nhận biết và xảy ra trong một thời gian dài. Dưới đây là những triệu chứng của bệnh mà bạn có thể nhận biết:

Buồn nôn là một trong những triệu chứng của bệnh
Buồn nôn là một trong những triệu chứng của bệnh

Giai đoạn cấp tính

  • Chu kỳ kinh nguyệt thất thường, thường có dấu hiệu chậm kinh do vòi trứng bị tắc và trứng rụng không đúng chu kỳ. 
  • Đau bụng dữ dội hơn trong giai đoạn hành kinh. Nguyên nhân là do tử cung co bóp mạnh gây kích thích vòi trứng bị viêm và làm phát sinh cơn đau. 
  • Ngứa ngáy, khó chịu ở vùng âm đạo, khí hư có màu vàng và mùi hôi. 
  • Cơ thể bị suy nhược, chóng mặt và mệt mỏi. 
  • Triệu chứng đi kèm như sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiểu buốt. 
  • Đôi khi máu kinh có thể chuyển sang màu nâu đen và có mùi hôi tanh. 
  • Đau rát khi quan hệ tình dục. 

Giai đoạn mãn tính

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, thường bị chậm kinh, mất kinh, cường kinh…
  • Vòi trứng bị sưng đỏ nên có cảm giác đau vùng chậu, đau mỏi lưng. 
  • Vùng bụng dưới đau âm ỉ trong thời gian dài. 

Viêm ống dẫn trứng có nguy hiểm không?

Viêm ống dẫn trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa rất nguy hiểm. Bệnh sẽ đe dọa trực tiếp đến chức năng sinh lý, sinh sản ở nữ giới. Tuy nhiên khi bệnh mới khởi phát và có mức độ nhẹ, bạn có thể điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. 

Trong khi đó, nếu chữa trị chậm trễ, bệnh sẽ gây nên những biến chứng như sau:

  • Viêm nhiễm lan rộng: Viêm nhiễm sẽ lan rộng gây viêm buồng trứng, tắc vòi trứng nếu không được kiểm soát kịp thời. Nếu gặp phải biến chứng này, cơ thể sẽ suy giảm khả năng sinh sản. 
  • Có thai ngoài tử cung: Vòi trứng bị viêm sẽ cản trở trứng được thụ tinh di chuyển xuống tử cung. Do đó, thai sẽ phát triển ngay tại vòi trứng và gây nên hiện tượng mang thai ngoài tử cung. 
  • Áp xe phần phụ: Có đến 20% nữ giới bị viêm vòi trứng biến chứng thành áp xe phần phụ. Áp xe là tình trạng viêm nhiễm trầm trọng, có thể gây ra nhiễm trùng máu nếu không được điều trị kịp thời. 
  • Vô sinh: Vòi trứng bị phù nề, tắc nghẽn hoàn toàn thì phụ nữ sẽ mất đi khả năng sinh sản. 

Ngoài ra, viêm vòi trứng còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như công việc. 

Cách điều trị bệnh viêm tắc ống dẫn trứng

Cũng giống như một số bệnh lý phụ khoa khác, viêm ống dẫn trứng có thể được điều trị bằng Tây y, Đông y và một số mẹo dân gian. 

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa là sử dụng các loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để chữa bệnh viêm vòi trứng. Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết và làm một số xét nghiệm để xác định được vi khuẩn gây bệnh. Căn cứ vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng những loại thuốc kháng sinh phù hợp. 

Do đó, không có một loại thuốc kháng sinh cụ thể nào áp dụng cho nhiều trường hợp bệnh. Uống thuốc gì và liều dùng như thế nào thì bác sĩ sẽ kê toa cho từng mức độ bệnh của mỗi người. 

Chưa hết, bệnh nhân có thể sử dụng thêm một vài loại thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng đau rát do viêm ống dẫn trứng gây ra. Trong thời điểm này, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc uống bổ sung nhằm phục hồi niêm mạc ở vòi trứng. 

Điều trị ngoại khoa

Với những trường hợp viêm nhiễm kéo dài có thể gây tắc nghẽn vòi trứng, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để thông vòi trứng hoặc tái tạo vòi trứng. Khi tiến hành mổ, bác sĩ sẽ đánh giá về kích thước, tình trạng lòng tử cung, buồng trứng…

Kỹ thuật mổ ống dẫn trứng sẽ được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ tiến hành thông ống dẫn trứng bằng cách đặt dụng cụ chuyên dụng vào buồng tử cung.
  • Bước 2: Bác sĩ sẽ đưa một catheter vào lỗ ống dẫn trứng để loại bỏ những viêm nhiễm, mẩu vụn và tách những chỗ dính trong lòng ống dẫn trứng. 
Điều trị ngoại khoa chữa viêm vòi trứng
Điều trị ngoại khoa chữa viêm vòi trứng

Tỷ lệ thành công của phương pháp mổ là 85%. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ để lại một số những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, chảy máu kéo dài, tổn thương buồng trứng. Với một số người không thể phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ vòi trứng và thụ tinh trong ống nghiệm nếu người bệnh muốn sinh con. 

Mẹo dân gian chữa bệnh tại nhà

Đối với những trường hợp viêm ống dẫn trứng nhẹ, mới khởi phát, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng các mẹo dân gian. Các bài thuốc dân gian thường lành tính, an toàn và dễ thực hiện. 

Việc áp dụng phương pháp y tế điều trị viêm ống dẫn trứng kết hợp với các biện pháp tự nhiên sẽ giúp cải thiện bệnh một cách tốt hơn. 

  • Dầu thầu dầu: Để điều trị bệnh, chị em có thể sử dụng dầu được chiết xuất từ hạt thầu dầu. Dầu thầu dầu có chứa nhiều Acid Ricinoleic – hoạt chất giúp thúc đẩy lưu thông bạch huyết xung quanh vòi trứng.  Bạn sử dụng dầu thầu dầu để thoa trực tiếp lên vùng bụng dưới. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng khăn hoặc túi chườm có tẩm thầu dầu để đắp lên bụng.
  • Rau diếp cá: Theo Đông y, rau diếp cá có tính mát, giúp giải độc, chống viêm và tiêu sưng hiệu quả. Rau diếp cá có tác dụng tốt để điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Bạn chuẩn bị khoảng 100g rau diếp cá tươi, rửa sạch rồi sắc với 500ml nước ấm trong 20 phút. Khi nước nguội, bạn dùng nước để ngâm và rửa sạch vùng kín khoảng 15 phút. 
Rau diếp cá có công dụng chữa bệnh phụ khoa hiệu quả
Rau diếp cá có công dụng chữa bệnh phụ khoa hiệu quả

Các mẹo dân gian chữa viêm vòi trứng không thể thay thế các thuốc đặc trị để chữa bệnh. Các loại thảo dược thiên nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị vì thế người bệnh không nên quá phụ thuộc vào thuốc. 

Người bị viêm ống dẫn trứng nên ăn gì, kiêng gì?

Trong quá trình điều trị bệnh, chị em phụ nữ nên xây dựng một thói quen ăn uống khoa học, lành mạnh. Vậy bị viêm ống dẫn trứng nên ăn gì?

  • Các loại rau xanh: Các loại rau xanh vừa cung cấp vitamin, chất xơ cần thiết cho cơ thể vừa loại bỏ được những độc tố, vi khuẩn tích tụ bên trong. 
  • Thức ăn giàu omega 3: Các loại thực phẩm giàu omega 3 có thể hạn chế được tình trạng viêm nhiễm và cơn đau ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, các loại thực phẩm này còn có khả năng phục hồi những niêm mạc bị hư tổn. 
  • Một số loại trái cây như bơ, lựu: Các loại trái cây này cung cấp một hàm lượng vitamin C dồi dào nên có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa. Bổ sung những loại trái cây này thường xuyên sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm ống dẫn trứng. 

Bên cạnh đó, người bệnh loại bỏ một số những thói quen ăn uống như sau:

  • Không nên dung nạp các loại thực phẩm chứa quá nhiều đường, chất béo, cay, nóng gây hại cho sức khỏe. 
  • Tuyệt đối không được hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các loại nước uống có ga.
Bị viêm ống dẫn trứng người bệnh không nên ăn đồ quá cay nóng
Bị viêm ống dẫn trứng người bệnh không nên ăn đồ quá cay nóng

Cách phòng ngừa bệnh viêm ống dẫn trứng

Người bệnh nên phòng ngừa bệnh viêm ống dẫn trứng bằng những biện pháp như sau:

  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín, đặc biệt trong những ngày hành kinh, trước và sau khi quan hệ. Bạn nên thay băng vệ sinh 4 giờ/lần để hạn chế vi nấm, vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo. 
  • Đặt vòng tránh thai hoặc các thủ thuật khác ở những bệnh viện lớn hoặc cơ sở y tế uy tín. 
  • Khi quan hệ nhưng chưa muốn có con, bạn nên sử dụng bao cao su hoặc thuốc tránh thai để tránh tình trạng phá thai nhiều lần. 
  • Nếu có thai ngoài ý muốn thì bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý phù hợp. Không nên phá thai bừa bãi và nạo hút thai ở các cơ sở y tế không uy tín. 
  • Lựa chọn quần áo rộng rãi, thông thoáng và thấm hút mồ hôi tốt. Mặc quần lót thông thoáng, không nên quá chật làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. 
  • Tìm hiểu tình trạng của bạn tình trước khi quan hệ tình dục để tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. 
  • Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh và bồi bổ những dưỡng chất cho cơ thể trong những bữa ăn hàng ngày. 
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ khoảng 1 – 2 lần/năm để sớm phát hiện những bệnh nguy hiểm. 

Từ những chia sẻ trên đây, chị em phụ nữ đã có thêm thông tin về bệnh viêm ống dẫn trứng cũng như nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị. Qua đó, chị em nên chủ động phòng bệnh và đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám nếu như phát hiện dấu hiệu bệnh.

Array

Chia sẻ

Viêm buồng trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa khá nguy hiểm

Viêm buồng trứng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Viêm buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa không quá phổ biến. Tuy nhiên, bệnh lại có nguy cơ...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top