Ngứa Da Toàn Thân Là Dấu Hiệu Bệnh Gì? Cách Xử Lý An Toàn

Ngứa da toàn thân không rõ nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy hoang mang lo lắng. Thực tế, đây là tâm lý hoàn toàn dễ hiểu khi mà làn da luôn được xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá tổng thể sức khỏe cũng như vẻ đẹp của mỗi người. Để hiểu rõ hơn về tình trạng toàn thân bị ngứa và biện pháp khắc phục hiệu quả, hãy cùng theo dõi bài viết sau.

Tìm hiểu về hiện tượng ngứa da toàn thân và các biện pháp điều trị 
Tìm hiểu về hiện tượng ngứa da toàn thân và các biện pháp điều trị

Ngứa da toàn thân do đâu?

Ngứa da toàn thân được hiểu là tình trạng vùng da trên khắp cơ thể bị ngứa ngáy khó chịu, thậm chí nổi mẩn đỏ và có hiện tượng viêm. Tùy thuộc vào mỗi người mà thời gian ngứa sẽ kéo dài khác nhau, cơn ngứa cũng có thể tái đi tái lại nhiều lần.

Mặc dù da bị ngứa toàn thân, ở mọi vị trí trên cơ thể nhưng các vùng da hở như mặt, cổ tay,… luôn xuất hiện các dấu hiệu trầm trọng nhất. Triệu chứng ngứa da toàn thân có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Do bệnh lý ngoài da

Bệnh lý da liễu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ngứa ngáy toàn thân. Nếu bạn bị ngứa râm ran khắp người kéo dài, cơn ngứa lan rộng và gần như không thuyên giảm thì có thể do những bệnh lý sau gây nên:

  • Viêm da dị ứng: Hiện tượng ngứa râm ran khắp người, da khô, sưng tấy, thậm chí nứt nẻ là biểu hiện của bệnh viêm da dị ứng. Bệnh thường phát triển thành đợt và dễ tái phát khi gặp được tác nhân gây bệnh.
  • Bị bệnh mề đay: Mề đay liên quan trực tiếp đến các yếu tố miễn dịch của cơ thể với các triệu chứng đột ngột không rõ lý do khiến bệnh nhân ngứa dưới da toàn thân, nổi nhiều mảng sần ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Đặc biệt bệnh thường xuyên tái phát khi thay đổi thời tiết hoặc gặp các yếu tố thuận lợi khác.
  • Viêm da cơ địa: Bệnh gây cảm giác ngứa râm ran, da xuất hiện nhiều vết sưng nhỏ, dày hơn, lâu dần sẽ nứt nẻ và bong vảy. Tuy có thể xuất hiện toàn thân nhưng đầu gối, cổ tay, mắt cá chân, khuỷu tay, mặt là những vị trí thường có biểu hiện viêm da cơ địa nặng hơn cả.

Dị ứng da ngứa toàn thân

Bên cạnh nguyên nhân bệnh lý, tình trạng ngứa ngáy toàn thân cũng có thể do dị ứng gây nên. Phổ biến nhất là:

  • Dị ứng thời tiết: Khi cơ địa bị mẫn cảm với thời tiết có thể gây nên tình trạng ngứa ngáy khó chịu. Nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường, quá khắc nghiệt (quá nóng hoặc quá lạnh) thì hiện tượng dị ứng da ngứa toàn thân hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, dị ứng thời tiết rất khó điều trị vì đây là bệnh mãn tính.
  • Dị ứng thực phẩm: Không ít người gặp phải tình trạng da khô ngứa toàn thân, thậm chí mẩn ngứa, phù mạch, khó thở khi ăn thực phẩm lạ, hải sản, đồ ăn chứa chất bảo quản. Các triệu chứng thường xuất hiện lập tức hoặc ngay sau khi ăn 1-2 giờ.
  • Dị ứng mỹ phẩm, thuốc, hóa chất: Thường gặp ở những người hay sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc làm cho các vùng da bị kích ứng, mẩn đỏ, cảm giác ngứa ngáy khó chịu xuất hiện. Trường hợp bị dị ứng hóa chất, thuốc thì phản ứng ngứa có thể trầm trọng hơn, thậm chí gây sốc nhiễm trùng.
Phản ứng dị ứng cũng có thể gây ngứa ngáy toàn thân
Phản ứng dị ứng cũng có thể gây ngứa ngáy toàn thân

Bệnh lý trong cơ thể

Ngoài những nguyên nhân liên quan đến vấn đề da liễu, dị ứng thì tình trạng ngứa khắp người còn có thể do một số bệnh lý khác gây nên. Trong đó các bệnh về gan, thận, bệnh xã hội, bệnh về máu… là căn nguyên chủ yếu. Cụ thể như sau:

  • Nhiễm giun sán: Rau sống, các món ăn tái, gỏi sống không hợp vệ sinh, không tẩy giun định kỳ làm cho lượng giun trong cơ thể quá nhiều. Lúc này chất thải của giun sán đi vào máu, kích thích hệ miễn dịch và gây phản ứng ngứa toàn thân.
  • Bệnh về gan thận: Ở những bệnh nhân gan, thận tình trạng ngứa khắp người không nổi mẩn có thể xảy ra. Nguyên nhân bởi gan, thận là hai cơ quan đảm nhận vai trò lọc và đào thải các chất độc hại, khi chúng gặp tổn thương sẽ làm hạn chế chức năng này, từ đó dẫn tới sự tích tụ của chất độc và gây nên triệu chứng ngứa ngáy.
  • Bệnh nhân tiểu đường: Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ làm cho mạch máu dưới da bị tổn thương nghiêm trọng, tác động tới quá trình luân chuyển chất dinh dưỡng, từ đó khiến cho da bị khô sần, cơ thể thường xuyên ngứa ngáy và khó chịu.
  • Bệnh về máu: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngứa toàn thân cũng có thể do các vấn đề như đa hồng cầu, loạn sản tủy, histamin trong máu tăng… Đây là các bệnh lý có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khiến bệnh nhân gặp không ít phiền toái.
  • Do bệnh xã hội: Một số bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, sùi mào gà, lậu… cũng có thể gây ngứa da, thậm chí là ngứa toàn thân nếu bệnh nhân đang trong thời gian dùng thuốc kháng virus.
  • Nội tiết tố thay đổi: Phụ nữ mang thai, nữ giới đang có kinh nguyệt thường gặp phải tình trạng ngứa da, da khô sạm.
  • Bệnh Hodgkin hoặc Non-Hodgkin: Đây là hai bệnh lý ác tính thường xảy ra ở hạch bạch huyết. Nếu bệnh trầm trọng có thể gây ra các triệu chứng như mẩn ngứa khắp người, sưng hạch bạch huyết.
  • Sốt phát ban: Bệnh do Herpes 6, 7 gây nên, bên cạnh triệu chứng sốt cao kèm các cơn ho và sổ mũi, bệnh nhân còn bị mẩn đỏ khắp người và có cảm giác ngứa ngáy vô cùng khó chịu, hạch bạch huyết ở cổ cũng sưng to hơn.

Bị ngứa da toàn thân khi nào nên gặp bác sĩ?

Bị ngứa khắp người nhưng không nổi mẩn đỏ hoặc kèm nốt mẩn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này có thể do nguyên nhân bên trong nhưng cũng có thể do yếu tố bên ngoài tác động.

Đôi khi ngứa da toàn thân chỉ là triệu chứng nhỏ nhưng sẽ tự hết, tuy nhiên đây sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu kèm theo các biểu hiện:

  • Cơn ngứa ngáy kéo dài hơn 2 tuần nhưng không có triệu chứng thuyên giảm, tình trạng dị ứng không xuất phát từ các nguyên nhân dự đoán như dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm, bệnh lý về da…
  • Dị ứng da ngứa toàn thân và đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà nhưng không hiệu quả, da bắt đầu viêm nhiễm, sưng tấy, ngứa rát và đe dọa nhiễm trùng.
  • Cơ thể mệt mỏi, sốt cao kèm theo cơn ngứa ngáy khắp người, càng gãi càng thấy ngứa ngáy.
Bệnh nhân cần thăm khám sớm nếu ngứa ngáy kéo dài
Bệnh nhân cần thăm khám sớm nếu ngứa ngáy kéo dài

Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường trên người bệnh cần chủ động tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn. Việc chủ quan xem nhẹ các dấu hiệu có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

Biện pháp điều trị ngứa da toàn thân

Ngứa ngáy toàn thân có thể là triệu chứng của bệnh da liễu, dị ứng hoặc bệnh lý nền nào đó. Do vậy, để xác định được phương pháp điều trị phù hợp, bệnh nhân cần theo dõi và chủ động thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị ngứa ran khắp cơ thể người bệnh có thể tham khảo:

Một số mẹo dân gian tại nhà

Trong dân gian lưu truyền khá nhiều mẹo giúp loại bỏ cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da. Bao gồm:

  • Kết hợp mật ong và húng quế: Lá húng quế đem xay nhuyễn rồi trộn đều với mật ong để tạo thành hỗn hợp dạng sệt, sau đó nhẹ nhàng thoa lên vùng da bị ngứa. Hoặc bạn cũng có thể ép lá húng quế và trộn với chút mật ong để làm nước uống, cách làm này giúp giảm cơn ngứa khắp người mà không nổi mẩn hiệu quả.
  • Dùng trà xanh: Dùng 100g lá trà xanh vò nát lấy nước, sau đó pha loãng cùng với nước mát để tắm trong ngày. Do trà xanh có tính kháng khuẩn mạnh nên chỉ sau 2 lần tắm loại nước này cảm giác ngứa ngáy khó chịu sẽ thuyên giảm đáng kể.
  • Dùng dầu dừa: Đầu tiên bạn cần vệ sinh da thật sạch sẽ, sau đó dùng dầu dừa thoa lên các vùng da trên cơ thể, chú ý tập trung vào khu vực bị ngứa nhiều. Với đặc tính kháng khuẩn, dưỡng ẩm, chống khô dầu dừa sẽ giúp loại bỏ đáng kể cảm giác ngứa ngáy, do vậy đây đồng thời cũng là cách trị ngứa da mặt tại nhà nhiều người áp dụng.

Tây y trong điều trị ngứa da toàn thân

Nguyên tắc chung trong điều trị ngứa toàn thân là xác định, tránh tiếp xúc với dị nguyên. Đồng thời, sử dụng một số loại thuốc uống, thuốc bôi đặc trị nhằm vô hiệu hóa chất trung gian để điều chỉnh rối loạn chức năng, loại bỏ triệu chứng ngứa ngáy dị ứng trên da. Trong đó, các loại thuốc được dùng phổ biến nhất là:

Nhóm thuốc kháng histamin

Nhóm thuốc này được chỉ định trong trường hợp ngứa da toàn thân nhẹ do nổi mề đay, viêm da dị ứng… nhằm khắc phục triệu chứng của bệnh. Phổ biến nhất là:

  • Loratadin (Clarytin) 10mg.
  • Cetirizin (Zyrtec) 10mg.
  • Thuốc bôi ngoài Phenergan.

Kết hợp thuốc kháng Histamin H1 với Corticoid

Nếu bệnh nhân có các biểu hiện viêm da nặng sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng histamin kết hợp Corticoid. Trong đó Corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, ngăn chặn phản ứng viêm và ức chế miễn dịch… Một số loại thuốc thường được dùng:

  • Dexamethason.
  • Prednisolon.
  • Methylprednisolon.
  • Thuốc bôi Eumovate.

Lưu ý: Không dùng Corticoid cho bệnh nhân bị ngứa khắp người do mề đay mãn tính tự phát.

Tùy từng tình trạng mà bệnh nhân sẽ phải dùng cả thuốc uống và thuốc bôi
Tùy từng tình trạng mà bệnh nhân sẽ phải dùng cả thuốc uống và thuốc bôi

Bị ngứa khắp người nên làm gì?

Hiện tượng ngứa da toàn thân luôn kích thích phản ứng gãi làm cho bệnh thêm trầm trọng, thậm chí đe dọa nhiễm trùng da. Do vậy, mỗi người cần tuân thủ nguyên tắc ăn uống, chăm sóc da hợp lý theo gợi ý dưới đây:

  • Hạn chế cào gãi để cơ thể không giải phóng histamin kích thích cơ ngứa, đồng thời điều này cũng giúp phòng tránh bội nhiễm hiệu quả.
  • Trong thời gian bị ngứa luôn chú ý vệ sinh da tay sạch sẽ, cắt ngắn móng tay để ngăn chặn vi khuẩn, virus tích tụ.
  • Dùng băng ướt, khăn ẩm để làm mát đi vùng da bị ngứa.
  • Lựa chọn trang phục rộng rãi có chất liệu thoáng mát, cắt bỏ nhãn mác để tránh gây cọ xát trên da.
  • Tránh xa các chất nghi ngờ gây kích ứng như xà phòng, phấn hoa, lông động vật, hóa chất tẩy rửa… vì chúng có thể khiến bệnh thêm trầm trọng hơn.
  • Để cơ thể trong trạng thái thoáng mát, tránh sử dụng lò sưởi hay quạt sưởi.
  • Ưu tiên các loại rau củ tươi, thực phẩm giàu omega 3 như cá thu, cá mòi, cá hồi cùng những món ăn chế biến từ thịt lợn. Mặt khác cần hạn chế sử dụng những thực phẩm kích thích sản sinh histamin như lạc, trứng, hải sản, sữa bò… bởi chúng có thể làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn.
  • Sau 2-3 ngày dùng thuốc theo hướng dẫn nếu không thấy bệnh thuyên giảm thì cần tái khám, tránh để tình trạng ngứa ngáy làm phát sinh biến chứng.

Địa chỉ khám, điều trị dị ứng da ngứa toàn thân

Đơn vị khám và điều trị toàn thân bị ngứa luôn là thông tin được nhiều người quan tâm. Thực tế, y học hiện nay đã rất phát triển và có những bước tiến vượt bậc, có thể giúp loại bỏ tình trạng khó chịu ở bệnh nhân. Dưới đây là một số địa chỉ uy tín người bệnh ngứa da có thể tham khảo:

  • Bệnh viện Da liễu Trung ương: Đây là một trong những địa chỉ khám chữa ngứa da, bệnh da liễu uy tín hàng đầu tại Hà Nội được nhiều bệnh nhân tin tưởng và giới thiệu cho bạn bè. Viện hiện có địa chỉ tại số 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội – Điện thoại 024.32222944.
  • Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Là bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Đơn vị này sở hữu đội ngũ bác sĩ kinh nghiệm, cán bộ viên chức có trình độ chuyên môn cao trong thăm khám và điều trị bệnh da liễu, luôn nhiệt tình hết lòng vì bệnh nhân. Địa chỉ viện tại số 12 Chu Văn An, thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội – Điện thoại 02438233075.
  • Bệnh viện Da liễu TP. HCM: Bệnh viện trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế TP HCM, là đơn vị khám và điều trị bệnh da liễu hàng đầu cả nước khi quy tụ đội ngũ y bác sĩ kinh nghiệm với trình độ chuyên môn cao. Bệnh nhân có thể tìm đến bệnh viện theo địa chỉ số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3, Hồ Chí Minh – Điện thoại 0283 930 8131.
  • Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM: Đơn vị này hoạt động theo mô hình tiên tiến, kết hợp trường – viện. Trong đó khoa da liễu của bệnh viện luôn là địa chỉ tin cậy được nhiều bệnh nhân lựa chọn do có chi phí hợp lý, hiệu quả điều trị tích cực. Địa chỉ cơ sở 1: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5 (điện thoại 0283 855 4269), cơ sở 2: 201 Nguyễn Chí Thanh, P.12, quận 5 – (điện thoại 0283 955 5548).
Bệnh nhân nên tìm kiếm địa chỉ thăm khám phù hợp
Bệnh nhân nên tìm kiếm địa chỉ thăm khám phù hợp

Phòng tránh, bảo vệ da khỏi triệu chứng ngứa ngáy

Tình trạng ngứa da toàn thân có thể là dấu hiệu bệnh lý, tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do vậy, để bảo vệ làn da, tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn, mỗi người nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh để các vi khuẩn và virus có cơ hội khu trú gây bệnh. Chuyên gia cũng khuyến cáo nên tắm hằng ngày, sử dụng sữa tắm an toàn cho da và tuyệt đối không sử dụng quần áo còn ẩm ướt.
  • Tránh xa các dị nguyên có thể gây ngứa da như phấn hoa, lông động vật, côn trùng,… nhất là khi đã có tiền sử dị ứng trước đó.
  • Nếu có tiền sử bị dị ứng thời tiết cần chủ động áp dụng biện pháp bảo vệ da khi trời quá nóng, quá lạnh, từ đó hạn chế đáng kể nguy cơ ngứa da toàn thân.
  • Lựa chọn trang phục rộng rãi, chất liệu mềm mại bảo vệ da để không gây kích ứng và phát sinh các phản ứng ngứa ngáy.
  • Tăng cường uống nước, sử dụng nhiều rau xanh và trái cây tươi trong thực đơn hằng ngày. Đồng thời, nên tránh ăn các thực phẩm lạ, nếu muốn sử dụng cần ăn thử một lượng nhỏ để kiểm tra phản ứng dị ứng của cơ thể.
  • Chủ động tập luyện thể thao hằng ngày để nâng cao sức khỏe, từ đó ngăn chặn các phản ứng ngứa, viêm khi cơ thể bị tấn công bởi yếu tố gây hại.

Như vậy, ngứa da toàn thân đôi khi chỉ là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên và sẽ tự khỏi sau vài giờ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý da liễu nghiêm trọng nào đó, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe. Vì vậy, mỗi người tuyệt đối không được chủ quan, cần thăm khám ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường.

Array

Chia sẻ

Triệu chứng

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top