Rách vòng xơ đĩa đệm là gì? Hình ảnh, triệu chứng và cách điều trị
Rách vòng xơ đĩa đệm làm hạn chế chức năng của cơ quan này, tạo điều kiện cho bệnh lý thoát vị hoặc thoái hóa đốt sống phát triển. Tình trạng này không chỉ gây chèn ép dây thần kinh mà còn làm phát sinh hội chứng Cauda equine cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do vậy, việc sớm nhận biết dấu hiệu, kịp thời áp dụng biện pháp điều trị rách bao xơ là rất cần thiết.
Rách vòng xơ đĩa đệm là gì?
Rách vòng xơ đĩa đệm là tình trạng lớp màng bao lấy đĩa đệm bị thủng, rách. Điều này làm cho nhân nhầy bên trong tràn ra khỏi các vòng sợi, chèn ép lên dây thần kinh quanh khu vực đốt sống.
Rách bao xơ đĩa đệm thuộc giai đoạn 3 của bệnh lý thoát vị đĩa đệm, cho thấy bệnh đã tiến triển tới mức độ khá nghiêm trọng. Trong đó, quá trình dẫn đến hiện tượng rách vòng xơ ở đĩa đệm gồm:
- Giai đoạn 1: Đĩa đệm bị thoái hóa do bao xơ bắt đầu biến dạng. Lúc này, các triệu chứng chưa rõ ràng nên bệnh nhân chỉ hơi đau nhức, tê giật chân tay.
- Giai đoạn 2: Lớp vòng bao xơ bị biến dạng nhiều hơn, các nhân nhầy có xu hướng tràn ra ngoài.
- Giai đoạn 3: Bao xơ đĩa đệm bị rách hoàn toàn, nhân nhầy đã chảy ra ngoài và gây nên nhiều áp lực cho dây thần kinh. Lúc này bệnh nhân phải đối mặt với các triệu chứng như đau âm ỉ cột sống, chức năng vận động bị rối loạn, tê bì lan rộng,…
- Giai đoạn 4: Đến giai đoạn này, tình trạng tổn thương của bao xơ đã mở rộng hơn và nhân nhầy tràn ra gần như hoàn toàn, gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh. Điều này dễ dẫn đến nhiều vấn đề như tê liệt, thậm chí là bại liệt.
Đối tượng có nguy cơ cao bị rách vòng xơ đĩa đệm:
- Những người thừa cân béo phì.
- Người cao tuổi.
- Người làm lao động chân tay, thường xuyên mang vác vật nặng.
- Người thường xuyên ngồi lâu trong một tư thế mà ít vận động như nhân viên văn phòng, thợ may, lái xe…
- Bệnh nhân đã từng bị chấn thương cột sống.
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm rách bao xơ
Hiện tượng rách bao xơ đĩa đệm có thể xuất hiện ở mọi bệnh nhân và gây nên nhiều triệu chứng khó chịu. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng này có thể do những nguyên nhân sau gây nên:
- Lão hóa
Đĩa đệm đảm nhận chức năng tạo sự linh hoạt cho cột sống, giúp con người xoay vặn cơ thể, nâng đỡ các đồ vật. Tuy nhiên, khi tuổi tác càng tăng thì các đĩa đệm bắt đầu bị bào mòn (chính là quá trình lão hóa tự nhiên). Khi đó, đĩa đệm có thể phình ra hoặc xẹp xuống, lớp nhân nhầy trở nên khô và cứng hơn, các bao xơ sờn và dễ rách hơn.
- Thừa cân, béo phì
Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng rách bao xơ. Bởi khi thừa cân béo phì, cột sống sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ trọng lượng cơ thể làm đĩa đệm không còn đủ khả năng chống đỡ, dẫn đến phình ra và bị rách.
- Tính chất công việc
Người đang làm các công việc đòi hỏi vận động liên tục, thường xuyên mang vác vật nặng sai tư thế hoặc ngồi một chỗ quá lâu… cũng có thể khiến đĩa đệm tổn thương rồi dẫn đến rách bao xơ.
Bên cạnh đó, những chấn thương do tai nạn, ngã xe, va đập… cũng có thể gây rách vòng xơ đĩa đệm khiến bệnh nhân đau đớn mệt mỏi.
Triệu chứng rách bao xơ đĩa đệm
Tình trạng rách vòng xơ đĩa đệm có thể xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trên cột sống, song phổ biến nhất là rách vòng xơ đĩa đệm L4 L5. Tùy thuộc vào từng vị trí đĩa đệm bị tổn thương mà bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:
Rách vòng xơ đĩa đệm vùng lưng dưới:
- Cảm giác đau nhói vùng thắt lưng tại vị trí bao xơ bị rách.
- Các cơn đau chạy dọc dây thần kinh lan ra sau chân (ở một hoặc cả 2 chân).
- Bệnh nhân cảm thấy châm chích ở bàn chân.
- Cơ bắp có dấu hiệu bị co quắp, đau đớn, chuột rút.
- Không thể cử động khi đột ngột thay đổi tư thế.
Rách bao xơ đĩa đệm ở cổ:
- Đau cổ tại vị trí rách vòng xơ đĩa đệm.
- Cơn đau nhanh chóng lan xuống vai, cánh tay, bàn tay, chạy dọc theo các dây thần kinh.
- Luôn có cảm giác tê ngứa bàn tay, cánh tay trong một khoảng thời gian, nhất là vào buổi sáng khi mới thức dậy hoặc ngay trong khi ngủ.
- Bắp bị co thắt và yếu dần.
- Dây thần kinh bị chèn ép khiến các cơ quan trong cơ thể mất đi khả năng phối hợp vận động.
Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị rách bao xơ đĩa đệm nặng còn xuất hiện cảm giác đau khi đi vệ sinh, hắt hơi, cúi người… Bởi đây đều là những hành động khiến dây thần kinh bị kéo căng.
Rách vòng xơ đĩa đệm có tự lành không?
Khi bao xơ đĩa đệm đã bị rách thì không thể tự lành, người bệnh chỉ có thể áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát tổn thương, ngăn chặn nhân nhầy tràn ra ngoài. Vòng xơ đĩa đệm sờn, rách phục hồi như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương, nhân nhầy đã thoát ra ngoài hay chưa… cũng như biện pháp điều trị được áp dụng.
- Nếu vết rách vòng xơ mới khởi phát: Với bệnh thoát vị đĩa đệm rách bao xơ giai đoạn đầu, đĩa đệm mới chỉ tổn thương mức độ nhẹ, nhân nhầy mới rò rỉ chứ chưa tràn ra ngoài… các biện pháp điều trị bảo tồn, dùng thuốc sẽ giúp bao xơ lành lại.
- Đĩa đệm bị thoát vị lâu năm: Vết rách bao xơ ở mức độ nghiêm trọng, khối thoát vị lớn, nhân nhầy đã chảy ra ngoài khiến việc bao xơ lành lại là rất khó khăn. Lúc này bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện các phẫu thuật để phục hồi chức năng đĩa đệm, ngăn chặn cơn đau của bệnh.
Rách vòng xơ đĩa đệm có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào thời gian phát hiện và điều trị bệnh. Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, rách vòng bao xơ có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Đau thần kinh tọa: Rách bao xơ đĩa đệm làm cho dây thần kinh bị đè nén, gây ra cảm giác đau nhức tại vùng mông, lưng, hông. Bên cạnh đó bệnh nhân cũng cảm thấy tê nhức như kim châm.
- Chèn ép dây thần kinh: Gây ra những cơn đau dữ dội. Nếu đĩa đệm bị thoát vị còn gây ra tình trạng dây thần kinh bị chèn ép, kiểm soát ruột và bàng quang làm bệnh nhân đi vệ sinh không kiểm soát.
- Hội chứng Cauda equine: Khiến cơ thể mất khả năng tự chủ, bị tê liệt vĩnh viễn khi không được phát hiện và điều trị sớm.
Chẩn đoán rách bao xơ đĩa đệm
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân đang gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng dựa trên triệu chứng và tần suất đau của bệnh nhân. Đồng thời, một số xét nghiệm cận lâm sàng khác cũng được chỉ định như:
- Chụp X-Quang quy ước: Nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau nhức, do gãy xương, tổn thương cột sống hay có khối u xương.
- Chụp CT: Đây là thủ thuật sử dụng tia X từ nhiều góc khác nhau để thu lại hình ảnh cột sống cũng như các bộ phận lân cận. Từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ tổn thương của đĩa đệm.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Là thủ thuật hiện đại cho kết quả chính xác về tình trạng rách vòng xơ đĩa đệm cũng như những vấn đề liên quan. Cũng thông qua hình thức chẩn đoán này, bác sĩ sẽ xác định được vị trí đĩa đệm bị thoát vị, tình trạng dây thần kinh bị chèn ép.
Phương pháp điều trị rách vòng xơ đĩa đệm
Việc điều trị rách bao xơ đĩa đệm cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng rách bao xơ mà mỗi bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.
Mẹo dân gian trị rách bao xơ đĩa đệm
Trong dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc giúp loại bỏ cơn đau nhức, hỗ trợ hàn gắn tổn thương ở đĩa đệm hiệu nghiệm. Nếu đang bị các triệu chứng của bệnh “làm phiền”, người bệnh có thể tham khảo một số mẹo dân gian sau:
- Rễ đinh lăng: Sử dụng 30g rễ cây đinh lăng cùng 20g trinh nữ hoàng cung nấu cùng 500ml cho đến khi cô đặc còn 200ml. Lượng nước thuốc từ rễ đinh lăng thu được đem uống hết trong ngày, sử dụng liên tục trong 10 ngày để nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng bệnh.
- Lá lốt: Dùng lá lốt kết hợp với cỏ xước, vòi voi, bưởi bung mỗi loại 30g. Sau khi rửa sạch các nguyên liệu thì đem đi sao vàng hạ thổ rồi sắc cùng 1000ml nước, chờ cô cạn còn 500ml thì dừng lại.
- Cây lược vàng: Mỗi ngày nhai trực tiếp khoảng 3 lá cây lược vàng kèm vài hạt muối sẽ giúp cơn đau nhức của bệnh được cải thiện.
Điều trị rách vòng xơ đĩa đệm bằng Tây y
Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân. Trong đó, các biện pháp được áp dụng phổ biến là sử dụng thuốc, điều trị bảo tồn và phẫu thuật trong trường hợp cần thiết.
Sử dụng thuốc điều trị nội khoa
Các loại thuốc nội khoa được chỉ định trong trường hợp bao xơ đĩa đệm bị tổn thương nhẹ, có thể điều trị bảo tồn chưa cần can thiệp ngoại khoa. Một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị rách vòng xơ đĩa đệm là:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol là loại thuốc phổ biến nhất được chỉ định cho bệnh nhân bị đau do rách vòng xơ đĩa đệm. Nếu cơn đau kéo dài không thuyên giảm người bệnh có thể được chỉ định thêm thuốc gây nghiện Opioid.
- Thuốc kháng viêm không Steroid: Thuốc có tác dụng chống viêm, tiêu sưng ở đĩa đệm. Điều này giúp loại bỏ cơn đau nhức, nóng rát tại khu vực cột sống bị tổn thương.
- Thuốc giãn cơ: Chỉ định cho các bệnh nhân bị rách vòng xơ đĩa đệm cổ khiến cơ bắp bị co thắt, trong đó loại thuốc thường được chỉ định là Myonal.
- Tiêm thuốc Corticoid: Corticoid giúp giảm đau, kháng viêm. Chúng thường được tiêm vào vùng quanh rễ thần kinh hoặc màng cứng, được sử dụng trong những trường hợp bệnh nặng.
Tuy các loại thuốc Tây giúp giảm đau, kháng viêm nhanh chóng nhưng lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như suy giảm chức năng gan, thận.Do vậy, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng tại nhà.
Chỉ định phẫu thuật
Các biện pháp phẫu thuật được chỉ định khi việc dùng thuốc không đáp ứng, triệu chứng bệnh ngày càng trầm trọng. Những phương pháp phẫu thuật đĩa đệm phổ biến hiện nay gồm:
- Phẫu thuật hở: Mục đích của phẫu thuật là hút bỏ nhân nhầy, xử lý khối thoát vị đĩa đệm. Đây là một trong những phương pháp truyền thống, có chi phí thấp nhưng tồn tại nhiều biến chứng như mất máu, thậm chí là nhiễm trùng.
- Phẫu thuật nội soi: Biện pháp an toàn, không xâm lấn nên được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên chi phí điều trị với phương pháp này tương đối cao, không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính.
- Phẫu thuật laser: Phương pháp này giúp khắc phục hiệu quả tình trạng rách bao xơ đĩa đệm. Tuy nhiên, phẫu thuật bằng laser chỉ phù hợp với trường hợp bệnh nhẹ, đòi hỏi máy móc hiện đại và bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Rách vòng xơ đĩa đệm nên ăn gì và kiêng gì?
Đối với các bệnh nhân bị rách bao xơ đĩa đệm, chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến của bệnh cũng như khả năng phục hồi các tổn thương. Chính vì thế, bệnh nhân bị rách bao xơ cần chủ động xây dựng cho mình chế độ ăn uống khoa học dựa trên những nguyên tắc sau:
- Nhóm thực phẩm nên bổ sung: Các loại đồ ăn tốt cho sức khỏe xương khớp, hỗ trợ quá trình hàn gắn tổn thương ở vòng xơ đĩa đệm, củng cố sức khỏe tổng thể. Điển hình như sữa, phô mai, cá hồi, cá mòi, đậu Hà Lan, nước hầm xương, lòng đỏ trứng, gan, quả bơ, kiwi, thịt gia cầm, cam, chanh, bưởi… là những thực phẩm nên ăn khi bị bệnh đĩa đệm.
- Nhóm thực phẩm nên hạn chế: Cần tránh xa những thực phẩm có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn, cản trở quá trình điều trị như thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu đạm (thịt bò, thịt chó, thịt dê), nội tạng động vật, cà muối, dưa muối, đồ ăn cay nóng, chất kích thích…
Khám và điều trị rách bao xơ đĩa đệm ở đâu?
Rách vòng xơ đĩa đệm là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây ra những tác động tiêu cứ đến sức khỏe và hệ thống cơ xương khớp nếu không kịp thời có biện pháp can thiệp. Để thăm khám và điều trị rách bao xơ, bệnh nhân có thể tìm đến các đơn vị sau:
- Bệnh viện Đại học Y Dược: Đơn vị được đông đảo bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, rách bao xơ tại phía Nam tin tưởng lựa chọn thăm khám và điều trị. Bệnh nhân có thể liên hệ bệnh viện theo số điện thoại 8428 3855 4269 hoặc đến trực tiếp địa chỉ số 215 Hồng Bàng, P.11, Q.5, Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Bạch Mai: Khoa xương khớp của bệnh viện được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc khám, chữa bệnh liên quan đến cột sống. Người bệnh rách bao xơ có thể liên hệ bệnh viện theo số điện thoại 8424 3869 3731 hoặc địa chỉ 87 thuộc đường Giải Phóng, phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Phòng tránh rách vòng xơ đĩa đệm
Rách bao xơ đĩa đệm luôn tồn tại nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy đây là tình trạng không ai mong muốn gặp phải, để phòng tránh mỗi người có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Chấm dứt ngay thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích có hại cho sức khỏe. Điều này sẽ giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, ngăn chặn các vấn đề xương khớp phát sinh.
- Luôn ngồi đúng tư thế khi làm việc, hạn chế ngồi quá lâu một chỗ. Nếu tính chất công việc phải ngồi nhiều thì sau khoảng 60 phút nên đứng lên đi lại để giãn gân cốt, bảo vệ đĩa đệm.
- Tránh bê vác đồ nặng, nhất là việc khuân vác đồ sai tư thế trong thời gian dài có thể gây hại cho đĩa đệm, gây ra rách bao xơ.
- Chủ động ăn uống khoa học, tránh xa các thực phẩm giàu đạm, chứa chất béo xấu…
- Nếu bị béo phì thì nên ăn uống, thể dục thể thao điều độ để kiểm soát cân nặng, đưa chỉ số BMI về mức cân bằng. Bởi nếu cân nặng ở mức hợp lý sẽ giúp giảm đáng kể áp lực lên cột sống, từ đó phòng tránh rách bao xơ hiệu quả.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe xương khớp định kỳ để kịp thời phát hiện các bất thường, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.
Cho đến nay, rách vòng xơ đĩa đệm không còn là căn bệnh hiếm gặp. Tình trạng này có thể gây ra những triệu chứng khó chịu, cản trở sinh hoạt của người bệnh và đe dọa nhiều biến chứng. Do vậy mỗi người cần hết sức cẩn trọng, nên thăm khám sớm nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, tuyệt đối không vì chủ quan mà để bệnh diễn biến nặng, khó điều trị.
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!