Thoát Vị Đĩa Đệm Ở Người Trẻ Tuổi
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng cao trong những năm trở lại đây. Theo các bác sĩ, tình trạng này nếu không có biện pháp xử lý sớm có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe xương khớp của người bệnh. Bạn đọc nếu đang quan tâm và muốn tìm hiểu về vấn đề nói trên thì hãy theo dõi bài viết sau đây.
Bệnh thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi là gì?
Một đĩa đệm được gọi là thoát vị khi phần nhân nằm bên trong đĩa bị rò rỉ ra ngoài cột sống và chèn ép lên các dây thần kinh nằm gần đó và được gọi chung là thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh. Hiện nay, có không ít thắc mắc xoay xung quanh vấn đề liệu thoát vị đĩa đệm có bị ở người trẻ tuổi hay không.
Theo các chuyên gia, tình trạng này hoàn toàn có khả năng xảy ra ở đối tượng trẻ tuổi, hơn nữa còn có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi thường liên quan đến một số yếu tố sau:
- Tai nạn giao thông hoặc trong quá trình lao động: Đối với người trẻ, thoái hóa do tuổi già dĩ nhiên không thể ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, thay vào đó chấn thương chiếm tỷ lệ cao hơn. Chấn thương có khả năng tác động rất mạnh đến đốt xương, dây chằng cũng như đĩa đệm ở cột sống, khiến chúng yếu dần và dễ bị tổn thương về sau.
- Lối sống không khoa học: Lối sống không khoa học như ít vận động, ngồi nhiều, ăn uống bỏ bữa, thức khuya, nghiện thuốc lá,… được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra thoát vị ở người trẻ. Những vấn đề này không tác động ngay lập tức đến cấu trúc đĩa đệm mà dần dần mài mòn nó theo thời gian nếu người bệnh không thay đổi kịp thời.
- Nguyên nhân khác: Bên cạnh các yếu tố chính kể trên, tình trạng này cũng có thể do thừa cân, đặc thù nghề nghiệp, di truyền ảnh hưởng tuy nhiên tỷ lệ thường nhỏ hơn.
Triệu chứng người trẻ thường gặp khi mắc bệnh
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi thường có các dấu hiệu dưới đây:
- Các cơn đau ở cột sống hoặc những khu vực gần đó. Tùy thuộc vào vị trí thoát vị như cột sống cổ, ngực hay thắt lưng mà vị trí cơn đau sẽ có sự khác biệt. Mức độ đau cũng không giống nhau, có người âm ỉ day dứt khó chịu, có người lại dữ dội nhói buốt. Đa phần triệu chứng này sẽ nặng thêm nếu người bệnh không hoạt động trong một khoảng thời gian dài.
- Cảm giác tê ngứa, nóng ran ở hai tay hoặc hai chân. Triệu chứng này thường là dấu hiệu của việc đĩa đệm sau khi thoát vị đã chèn lên những rễ thần kinh tủy sống gần đó. Giống như đau nhức, vị trí thoát vị vùng cổ sẽ ảnh hưởng đến tay còn nếu thoát vị thắt lưng thì hai chân sẽ chịu tác động.
- Hai tay, hai chân run yếu hoặc không còn sức lực. Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, người bệnh còn có thể bị run chân, tay và mất sức. Triệu chứng này gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng vận động và đời sống thường nhật của người bệnh.
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ có nguy hiểm hay không?
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi là tình trạng không thể xem thường. Nếu người bệnh chủ quan không điều trị sớm thì rất có khả năng gặp phải các biến chứng sau đây:
- Vận động suy giảm: Một trong những hậu quả dễ thấy mà thoát vị đĩa đệm đem lại chính là vận động suy giảm hơn. Do các cơn đau nhức và tê ngứa kéo dài dai dẳng ảnh hưởng đến tứ chi, người bệnh có thể cảm thấy khó khăn khi đi đứng hay cầm, nâng, mang vác đồ vật. Điều này không chỉ tác động đến sinh hoạt hàng ngày mà còn cả khả năng lao động của bệnh nhân.
- Mất ngủ: Nếu cơn đau mỏi quấy rầy cả ngày lẫn đêm, người bệnh có nguy cơ bị mất ngủ. Trong trường hợp tình trạng này kéo dài, nó còn có thể kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng khác như tâm lý căng thẳng, mệt mỏi trong người, năng lượng tích cực suy yếu,… Những vấn đề nhỏ tích tụ lại dần dần khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng giảm thiểu nhanh chóng.
- Các vấn đề liên quan đến cột sống và dây thần kinh: Thoát vị đĩa đệm kéo dài không điều trị có thể gây ra một số bệnh lý như hẹp ống sống, hội chứng chùm đuôi ngựa,… Đây đều là những vấn đề sức khỏe nguy hiểm bởi tiềm ẩn nguy cơ tổn thương dây thần kinh tủy sống, dẫn đến bại liệt vĩnh viễn.
Biện pháp dùng trong chẩn đoán
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi cần được chẩn đoán sớm. Hiện nay, các biện pháp được sử dụng trong chẩn đoán bệnh gồm có:
- Kiểm tra hình ảnh: Để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau nhức lưng cũng như quan sát được cấu trúc bên trong cột sống, bác sĩ thường tiến hành chụp CT, myelogram, X-quang và MRI. Các biện pháp này sử dụng kỹ thuật chụp ảnh thông qua tia X và sóng cao tần.
- Kiểm tra dây thần kinh: Nếu nghi ngờ dây thần kinh đang bị chèn ép bởi đĩa đệm, các bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện thêm một số biện pháp kiểm tra khác như dẫn truyền thần kinh và điện cơ EMG. Những biện pháp này giúp xác định chính xác hơn mức độ tổn thương hiện tại của dây thần kinh thông qua điện cực được đặt bên ngoài da.
Điều trị thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Điều trị thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng khó chịu, nhờ đó mà cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân dần trở lại nhịp độ ban đầu. Một số biện pháp điển hình có thể kể đến là:
Bài thuốc tại nhà
Người bệnh có mức độ tổn thương nhẹ và vừa có thể thử áp dụng các bài thuốc tại nhà từ thảo mộc sau đây:
- Dùng ngải cứu đắp ngoài da: Lá ngải cứu tươi dùng khoảng 70g, đem rửa sạch rồi dùng cối giã nhuyễn. Bệnh nhân thêm vào bên trong phần lá thuốc 10g giấm trắng rồi đem đun nóng lên. Sử dụng hỗn hợp này đắp trực tiếp lên khu vực bị đau, mỗi ngày thực hiện ít nhất 1 lần.
- Sử dụng trà quế giảm đau: Người bệnh chuẩn bị nguyên liệu gồm có 5g bột quế, 2 thìa cà phê mật ong và 250ml nước sôi. Lần lượt cho bột quế, mật ong vào ly nước nóng, dùng thìa khuấy cho hỗn hợp trộn đều. Bệnh nhân nên sử dụng bài thuốc này khi còn ấm, mỗi ngày 1 lần sau bữa tối.
- Bài thuốc đắp từ lá lốt: Các nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có 100g lá lốt và 50g muối trắng. Người bệnh cho tất cả vào trong cối và giã nát, sau đó dùng chảo nóng sao khô. Đợi đến khi hỗn hợp nguội bớt thì dùng chườm, đắp lên khu vực cột sống bị đau nhức, thời gian khoảng 20 phút mỗi ngày.
ĐỌC NGAY:
Tây y trị thoát vị đĩa đệm người trẻ tuổi
Trong trường hợp cơn đau nhức nghiêm trọng hơn cũng như việc áp dụng bài thuốc tại nhà không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể chuyển sang dùng thuốc Tây y.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Thuốc giảm đau là lựa chọn của rất nhiều người bệnh vì tiện lợi và tác dụng nhanh. Hiện nay, các loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến với người bị thoát vị đĩa đệm là naproxen sodium, acetaminophen và ibuprofen. Vì là thuốc không kê đơn nên bệnh nhân có thể dễ dàng tìm mua và sử dụng hàng ngày tại nhà.
- Thuốc giãn cơ: Nếu tình trạng thoát vị đĩa đệm gây ảnh hưởng đến cả cơ bắp với những cơn cơ thắt khó chịu, bệnh nhân nên sử dụng thêm cả thuốc giãn cơ. Giống như tên gọi, những loại thuốc này (ví dụ: Cyclobenzaprine, baclofen) giúp giảm cơ thắt và cải thiện triệu chứng đau nhói, đau nhức.
Còn đối với những bệnh nhân bị thoát vị chèn lên dây thần kinh có nhiều nguy cơ biến chứng thì các bác sĩ thường khuyến khích thực hiện phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật càng sớm thì tỷ lệ tổn thương dây thần kinh càng giảm thiểu. Không những vậy, người bệnh cũng có khả năng hồi phục nhanh chóng và ít tái phát về sau hơn.
Bệnh nhân cần kiêng ăn gì và nên ăn gì?
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng ăn uống hàng ngày. Theo các chuyên gia, bữa ăn của bệnh nhân nên bổ sung thêm:
- Các loại rau có sắc tố sẫm màu như cải bắp tím, khoai lang, súp lơ xanh, ớt chuông xanh và đỏ,…
- Ngũ cốc chưa tinh chế và một số loại hạt như hạnh nhân, diêm mạch, óc chó, yến mạch, hạt chia,…
- Sữa tươi không đường và một số sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai tươi,…
Bên cạnh đó, người trẻ bị thoát vị đĩa đệm nên kiêng ăn:
- Đồ ăn có nhiều gia vị cay nóng và được chế biến theo kiểu chiên rán ngập dầu, ví dụ như gà rán, khoai tây, khoai lang chiên, ớt, tiêu xanh,…
- Đồ ăn tinh bột trắng như mỳ ống, bánh mì, cơm, xôi nếp,…
- Thức uống nhiều đường như nước ép đóng hộp, cà phê lon, nước có gas,…
Phòng tránh thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi có thể được phòng tránh bằng cách:
- Tăng cường thời gian luyện tập thể thao hàng ngày. Thay vì chọn những bộ môn cường độ cao và dễ gây chấn thương như bóng đá, mọi người có thể thử tập yoga, đi bộ đường dài, đạp xe hoặc bơi lội.
- Không sử dụng thuốc lá, chất cồn và chất gây nghiện. Nếu có thói quen hút thuốc thường xuyên khi căng thẳng hay stress, mọi người nên thay đổi bằng cách đọc sách, nghe nhạc, mua sắm,… để giải tỏa áp lực.
- Ăn uống đầy đủ rau xanh, trái cây và các loại thịt ít protein như cá hay ức gà. Bên cạnh đó, hãy cố gắng uống đủ 2lit nước mỗi ngày để giúp cơ thể dễ dàng chuyển hóa và thu nạp dinh dưỡng.
- Hạn chế tối đa việc ngồi hoặc nằm một chỗ, một tư thế quá lâu. Nếu xuất phát từ đặc thù công việc, hãy cố gắng dành khoảng 10 đến 15 phút thư giãn cho cột sống sau khi đã ngồi khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bị thoát vị đĩa đệm tuổi trẻ nên thăm khám ở đâu?
Người trẻ tuổi bị thoát vị đĩa đệm có thể tìm đến thăm khám và điều trị tại các địa chỉ sau đây:
- Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108: Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 là đơn vị y tế xếp hàng đặc biệt, được nhiều bệnh nhân đánh giá cao. Bệnh viện không chỉ nổi tiếng vì có nhiều bác sĩ chuyên khoa xương khớp giỏi mà còn vì cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đầy đủ và hiện đại. Địa chỉ của bệnh viện: Số 1 phố Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đường dây nóng: 096 775 1616.
- Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình Hồ Chí Minh Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình là cơ sở y tế được nhiều bệnh nhân xương khớp phía Nam lựa chọn. Dịch vụ khám chữa ở bệnh viện được đánh giá là có chất lượng cao cùng với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ tay nghề giỏi, giúp điều trị thành công các ca bệnh khó liên quan đến đĩa đệm như thoát vị, lệch đĩa đệm, bệnh hẹp ống sống… Địa chỉ bệnh viện: Số 929 trên đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5. Đường dây nóng: (028) 3923 5791 – 3923 5821 – 3923 7007.
Thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp mà còn có khả năng gây tổn hại đến khả năng lao động về sau. Người bệnh ngay khi phát hiện những thay đổi bất thường ở vùng cột sống thì cần dành thời gian đi thăm khám ngay để được điều trị sớm.
ArrayCLICK ĐỌC NGAY:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!