Ngứa Quanh Miệng Là Bệnh Gì, Làm Sao Để Điều Trị Dứt Điểm?

Ngứa quanh miệng không chỉ mang đến cảm giác khó chịu, ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh lý da liễu nghiêm trọng. Để biết bị ngứa xung quanh miệng là biểu hiện của bệnh lý gì, có nguy hiểm không, làm sao để điều trị dứt điểm? Tổ hợp y tế Cổ truyền biện chứng Quân dân 102 sẽ giúp bạn tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây ngứa quanh miệng?

Ngứa quanh miệng có thể đơn thuần là tình trạng kích ứng da nhẹ và sẽ thuyên giảm sau vài tiếng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có những trường hợp, ngứa xung quanh miệng là biểu hiện của các bệnh lý. Cụ thể như sau: 

Dị ứng thực phẩm

Tình trạng này xảy ra khi bạn ăn phải những thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản, các loại đậu, một số loại gia vị,… Người bị dị ứng thực phẩm sẽ có cảm giác ngứa rát xung quanh miệng, môi sưng, nguy hiểm hơn có thể kèm theo hiện tượng khó thở, sốc phản vệ đe dọa trực tiếp tới tính mạng.  

Dị ứng thực phẩm gây ngứa ngáy
Dị ứng thực phẩm gây ngứa ngáy

Thiếu chất dinh dưỡng

Làn da quá nhạy cảm, da yếu cũng một phần do chế độ dinh dưỡng không đảm bảo. Theo nghiên cứu, những người bị thiếu các chất như vitamin B, đặc biệt là vitamin B12, vitamin B1, thiếu folate có thể bị khô da nghiêm trọng. Trong đó, vùng da ở quanh miệng rất nhạy cảm nên hiện tượng da khô, ngứa ngáy cũng hay xuất hiện tại khu vực này. 

Vệ sinh răng miệng, mặt kém

Thói quen vệ sinh răng miệng kém cũng là nguyên nhân khiến bạn bị kích ứng, ngứa ngáy ngoài da. Thông thường, những trường hợp bị sưng đỏ, kích ứng, ngứa miệng thường do thói quen lạm dụng nước súc miệng, đánh răng quá nhiều lần. Hoặc vệ sinh vùng miệng kém làm vi khuẩn gia tăng ở cả bên trong và bên ngoài khoang miệng. 

Ngứa quanh miệng do mắc bệnh lý

Tình trạng nổi mẩn ngứa xung quanh miệng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu xuất phát từ bệnh lý. Được biết, những bệnh có thể gây nên tình trạng ngứa quanh miệng gồm có: 

  • Viêm da quanh miệng

Các dấu hiệu điển hình nhất của bệnh viêm da quanh miệng là tình trạng khô da, tróc vảy, phát ban, có mụn viêm nhỏ, cảm giác ngứa ngáy và bỏng rát. Ban đầu các tổn thương sẽ xuất hiện quanh miệng và lan dần đến vùng mặt, mũi. 

  • Zona thần kinh 

Có tới 90% dân số đều bị mắc thủy đậu ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh phát triển do virus Varicella, sau khi khỏi bệnh, chúng vẫn tồn tại trong cơ thể dù không hoạt động. Ở thời điểm sức đề kháng của cơ thể suy giảm, Varicella sẽ phát triển và gây nên bệnh zona thần kinh. Người bị nhiễm trùng do zona thần kinh sẽ có cảm giác ngứa ngáy kèm theo mụn nước li ti. Bệnh có thể phát triển ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở môi, vùng quanh miệng. Không chỉ gây ngứa, người bị zona thần kinh còn có cảm giác buồn nôn, mệt mỏi và đau nhức toàn thân. 

  • Herpes môi

Môi, vùng da quanh miệng là vị trí xuất hiện thường thấy của bệnh Herpes. Đây là dạng viêm da virus do nhiễm HSV – virus herpes simplex. Khi mắc bệnh, vùng da bị ảnh hưởng sẽ có tình trạng khô ngứa, đỏ ứng kèm các nốt phồng rộp,… Tình trạng lở loét, vảy tiết sẽ hình thành khi các mụn rộp vỡ ra nếu không được xử lý đúng cách. Bên cạnh những triệu chứng này, người bị herpes môi còn có thể bị nổi hạch ở bẹn, nách, đau nhức cơ thể, nóng sốt, mệt mỏi,… 

Hình ảnh Herpes môi
Hình ảnh Herpes môi
  • Do mắc bệnh chàm

Chàm da nói chung và chàm da quanh miệng là tổ hợp của các bệnh viêm da. Bệnh tiến triển do các tác nhân bên ngoài và thường bùng phát ở những người có cơ địa nhạy cảm, dễ kích ứng. Đặc trưng nhất là bệnh viêm da cơ địa hay viêm da dị ứng,… Người bị chàm quanh miệng sẽ khiến da bị khô, nổi ban đỏ, ngứa và có mụn nước. 

Cảm giác ngứa ngáy có thể xuất hiện một cách âm ỉ đến dữ dội tùy từng trường hợp. Nghiêm trọng, người bệnh có thể bị căng nứt da, khô cứng, lở loét và chảy dịch trông rất mất thẩm mỹ. Chưa kể, bệnh lý này thường tiến triển một cách dai dẳng, tái phát nhiều lần và rất khó để điều trị dứt điểm. Nếu không được xử lý kịp thời, áp dụng đúng cách điều trị, bệnh có thể để lại các biến chứng nguy hiểm. 

  • Lupus ban đỏ

Đây là bệnh tự miễn có khả năng ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của cơ thể, kể cả da và các dây thần kinh. Người mắc bệnh lupus ban đỏ sẽ khó tránh được tình trạng bị phát ban, nổi mụn nước, ngứa châm chích,… Cũng tương tự như nhiều bệnh lý khác, bệnh có thể bùng phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng điển hình nhất là vùng mặt, môi và quanh miệng. 

Được biết, khi bị lupus, rất khó để chúng ta có thể chẩn đoán được bệnh lý nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Bởi tùy theo từng trường hợp khác nhau, biểu hiện triệu chứng ở từng người cũng có sự thay đổi nhất định. Có người chỉ gặp vấn đề về thị giác, chóng mặt, đau đầu, đau mí mắt,… tuy nhiên lại có những người cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy khó chịu do nổi mẩn. 

Trường hợp bị lupus ban đỏ cần tiến hành điều trị sớm để kiểm soát bệnh. Bởi nếu không được can thiệp sớm, lupus ban đỏ có thể gây ảnh hưởng tới gan, thận, tim và làm tăng nguy cơ tử vong. 

Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân được nêu trên, người bị ngứa rát quanh miệng còn có thể do những yếu tố như sau:

  • Do cơ thể bị thiếu nước, dẫn tới mất nước khiến da khô nhanh hơn.
  • Không bổ sung độ ẩm cho vùng da quanh miệng và môi thường xuyên.
  • Tẩy tế bào chết quá thường xuyên hoặc làm sạch da quá mức.
  • Sinh sống ở vùng có khí hậu lạnh, ẩm thấp.
  • Ảnh hưởng từ tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị. 
  • Có thói quen liếm môi, khiến da bị khô, tróc vảy, chảy máu, nhất là vào mùa đông. 

Ngứa rát quanh miệng khi nào cần gặp bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp bị ngứa quanh miệng sẽ hết trong thời gian ngắn mà không cần điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu vấn đề là do bệnh lý, các bạn cần tới cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Đặc biệt là khi bạn có những dấu hiệu sau đây:

  • Bị ngứa xung quanh miệng kéo dài trên 2 tuần và không có dấu hiệu cải thiện dù đã áp dụng các biện pháp khắc phục.
  • Có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, ngứa ngáy quanh miệng.
  • Ngứa rát quanh miệng một cách dữ dội làm ảnh hưởng tới công việc, đời sống sinh hoạt. 
  • Xuất hiện mụn nước chứa dịch bên trong và vùng miệng bị sưng tấy, gặp khó khăn khi ăn uống, giao tiếp. 
Thăm khám bác sĩ khi bị ngứa quanh miệng kèm các triệu chứng nghiêm trọng khác
Thăm khám bác sĩ khi bị ngứa quanh miệng kèm các triệu chứng nghiêm trọng khác

Biện pháp khắc phục tình trạng ngứa quanh miệng

Cũng bởi tình trạng ngứa quanh miệng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên chúng ta cần xác định được nguyên nhân dẫn tới tình trạng. Từ đó đưa ra phương án khắc phục phù hợp, cho hiệu quả tốt cũng như tránh được những tác dụng phụ không đáng có. 

Theo đó, với những trường hợp bị ngứa da quanh miệng do bệnh lý, mọi người bắt buộc phải điều trị theo các loại thuốc chuyên biệt được bác sĩ – dược sĩ kê đơn. Tuy nhiên, nếu bị ngứa nhẹ, không có các biểu hiện bất thường khác, các bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục tại nhà với những mẹo chữa đơn giản và an toàn. Cụ thể như sau: 

Áp dụng mẹo dân gian

Các mẹo dân gian thường được đánh giá cao nhờ sự lành tính và nhẹ dịu với da. Để giảm ngứa ngáy quanh miệng bằng các nguyên liệu tự nhiên, mọi người có thể tham khảo các mẹo chữa sau: 

  • Sử dụng giấm táo: Nhờ có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, nhiều người đã tận dụng nguyên liệu này để giảm ngứa, hạn chế viêm nhiễm lan rộng. Để sử dụng, bạn lấy 1 ít giấm táo hòa với nước theo tỷ lệ đồng đều rồi thoa nhẹ nhàng lên vùng da quanh miệng trong 20 phút. 10 phút sau, dùng nước sạch mát rửa lại da, áp dụng tuần 1 lần và đừng quên dưỡng ẩm cho môi. 
  • Dùng dầu dừa trị mẩn ngứa xung quanh miệng: Vitamin A, D, E, K là những dưỡng chất dồi dào có trong dầu dừa. Hàm lượng vitamin này có khả năng làm dịu da, cấp ẩm, giảm ngứa và giúp nuôi dưỡng, phục hồi làn da đang bị tổn thương hiệu quả. Bạn chỉ cần làm sạch da quanh miệng rồi thoa một lớp dầu dừa lên da, massage nhẹ nhàng trong 10 phút rồi rửa lại bằng nước ấm là được.
  • Mẹo dùng nha đam: Người bệnh chuẩn bị 1 nhánh nha đam tươi, rửa sạch, bóc bỏ phần vỏ xanh bên ngoài, giữ lại phần thịt trắng bên trong. Vệ sinh cẩn thận vùng da quanh miệng rồi thoa thịt nha đam lên da. Có thể cắt chúng thành từng miếng mỏng rồi đắp lên da trong khoảng 15 phút, cuối cùng rửa lại mặt. 
  • Cải thiện ngứa ngáy quanh miệng với quả bơ: Trong bơ quá chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Nổi bật nhất trong đó là hàm lượng vitamin A, E, Omega 3 và axit hữu cơ,… Để tận dụng những thành phần này chữa ngứa da quanh miệng, bạn có thể xay nhuyễn phần thịt bơ và đắp lên da. Lưu ý trước khi thực hiện cần làm sạch vùng da quanh môi, để yên trong khoảng 10 – 15 phút rồi rửa lại với nước sạch.
  • Dùng hạt bưởi: Ít ai biết rằng các chiết xuất trong hạt bưởi có tính sát trùng mạnh nên có thể kháng khuẩn, làm sạch da hiệu quả. Để cải thiện tình trạng ngứa da quanh miệng, bạn có thể dùng 4 – 5 giọt chiết xuất từ hạt bưởi hòa cùng 1 muỗng oliu để thấm lên vùng da miệng. Sau 20 phút, rửa lại với nước sạch, áp dụng ngày 2 lần cho tới khi bệnh thuyên giảm. 
  • Mẹo dùng sữa chua: Trong sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho đường tiêu hóa và có khả năng diệt khuẩn vô cùng hữu ích. Do đó, những bệnh nhân bị ngứa vùng quanh miệng có thể dùng sữa chua không đường và thoa trực tiếp lên vùng da cần điều trị với tần suất 2 lần/ngày. Sau 1 tuần, các bạn sẽ thấy làn da trở nên mềm mại, giảm ngứa ngáy, đau rát nhanh chóng. 

Nhìn chung, các biện pháp chữa ngứa da quanh miệng đều khá an toàn và có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của các mẹo chữa thường khá chậm, chưa kể chúng không được khuyến khích dùng trên những vùng da bị lở loét, viêm nhiễm quá nghiêm trọng. 

Sử dụng thuốc Tây y trị ngứa quanh miệng

Khác với các mẹo dân gian, thuốc Tây thường cho hiệu quả nhanh ngay từ lần sử dụng đầu tiên. Mặc dù là biện pháp tiện lợi, cho hiệu quả nhanh nhưng thuốc Tây có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Nên để đảm bảo an toàn, cho hiệu quả tốt, tránh tác dụng phụ không mong muốn thì bệnh nhân cần dùng thuốc theo yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa. 

Sử dụng thuốc trị ngứa quanh miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ
Sử dụng thuốc trị ngứa quanh miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ

Các loại thuốc Tây chữa ngứa vùng da quanh miệng sẽ được kê đơn dựa trên từng bệnh lý khác nhau. Cụ thể như: 

  • Trường hợp bị zona thần kinh, bệnh herpes, bạn có thể dùng thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa hoạt chất kháng virus Famciclovir, Acyclovir, Valacyclovir,… Ngoài ra còn có hồ nước, thuốc uống kháng histamin, thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng virus,…
  • Nếu bị viêm da quanh miệng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng kháng sinh tetracycline hoặc erythromycin kết hợp với biện pháp chăm sóc hợp lý. Trường hợp này sẽ không được kê đơn thuốc có chứa corticoid vì chúng có thể làm ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch và làm tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn. 
  • Ở người bị bệnh chàm môi, các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid hoặc thuốc calcineurin sẽ được dùng phổ biến. Một vài trường hợp nặng sẽ được chỉ định dùng thêm thuốc uống corticoid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc kháng histamin H1,… 
  • Dùng thuốc điều trị toàn thân có chứa corticosteroid, thuốc chống sốt rét (Chloroquine, Hydroxychloroquine) để kiểm soát bệnh lupus ban đỏ. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với corticoid, bạn sẽ được chuyển qua dùng thuốc ức chế miễn dịch như  Azathioprine (Imuran), Cyclophosphamide (Endoxan), Cyclosporine (Sandimmune),…

Cách chăm sóc da khi bị ngứa xung quanh miệng

Vùng da quanh miệng khá nhạy cảm nên để giúp cải thiện nhanh các triệu chứng, tránh tái phát thì bạn cần nắm được những lưu ý sau đây:

  • Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, tốt nhất chỉ nên uống nước lọc, nước khoáng, nước ép trái cây, rau củ quả nguyên chất. Mỗi ngày cần duy trì bổ sung ít nhất 1.5 – 2 lít nước. 
  • Không cào gãi trên những vùng da quanh môi, bởi hành động này có thể khiến tình trạng viêm ngứa lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Nên ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, trái cây để giúp bổ sung vitamin, khoáng chất. Hạn chế những thực phẩm dễ gây kích ứng, đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, cay nóng,… 
  • Giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, sử dụng những sản phẩm chăm sóc da lành tính, dịu nhẹ và hạn chế trang điểm trong thời gian bị mẩn ngứa quanh miệng.
  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, nhất là những trường hợp bị ngứa xung quanh miệng do viêm da cơ địa, bệnh chàm,… 
  • Cân bằng giữa thời gian làm việc, nghỉ ngơi để tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, stress. Đồng thời nên tập thói quen tập luyện thể dục thể thao với các bài tập phù hợp để giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, nâng cao sức đề kháng và giúp da trở nên khỏe mạnh hơn trước các tác nhân gây bệnh. 
  • Tiến hành điều trị sớm nếu thấy vùng da quanh môi có những dấu hiệu bất thường như da khô, bong tróc, nổi mụn nước, ngứa ngáy, đau rát,… Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ cách điều trị nào, dù là mẹo dân gian, thuốc đặc trị, bạn cũng cần tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa. 
  • Thăm khám lại theo chỉ định của bác sĩ kể cả khi triệu chứng đã thuyên giảm. 

Bài viết trên đây đã giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa quanh miệng và cách khắc phục hiệu quả. Mặc dù hiện tượng này khá phổ biến và thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bạn không nên chủ quan. Hãy tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các biến chứng nghiêm trọng.  

Array

Chia sẻ

Triệu chứng

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top