Trẻ Sơ Sinh Bị Nổi Mẩn Đỏ Ở Mặt Có Đáng Lo Ngại? [Giải Pháp]
Làn da của trẻ nhỏ tương đối nhạy cảm, cộng thêm sức đề kháng chưa được phát triển ổn định nên bé rất hay gặp phải các vấn đề ngoài da. Do đó, tình trạng trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt là hiện tượng không hiếm gặp hiện nay. Trong trường hợp này, cha mẹ không nên quá lo lắng mà hãy đưa trẻ đi khám và chữa trị một cách khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguyên nhân xuất hiện mẩn đỏ ở mặt trẻ sơ sinh
Trong những tuần đầu đời, làn da của bé chưa được ổn định và còn có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, những tổn thương trên da rất dễ có thể xảy ra nếu không được chăm sóc đúng cách. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ ở mặt của bé. Điển hình trong đó phải kể đến là do da bé mỏng, nên rất dễ kích ứng khi gặp phải các tác nhân từ bên ngoài môi trường. Bên cạnh đó còn có thể bắt nguồn từ việc cha mẹ vệ sinh sai cách, dùng hóa mỹ phẩm không phù hợp, do bé bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, hay ô nhiễm không khí xung quanh,…
Đối với trẻ sơ sinh, nếu nổi mẩn đỏ ở mặt nhưng không đi kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ốm, ho, nôn trớ,… thì cha mẹ cũng không quá đáng lo ngại. Thông thường, những vết đỏ đó thậm chí có thể biến mất sau một vài tuần mà không cần phải chữa trị. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng là một lời cảnh báo cho sức đề kháng của bé đang kém, cha mẹ cần quan sát và theo dõi con để có thể xử lý chính xác và kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt là dấu hiệu bệnh gì?
Trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt có thể chỉ là biểu hiện của trạng thái sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh ngoài da sau:
Bệnh chàm sữa
Bệnh chàm sữa còn được gọi là lác sữa, thường bắt gặp nhiều ở trẻ độ 2 tháng tuổi. Đây là một dạng của chàm thể tạng viêm da mãn tính, không bị lây nhiễm. Tùy theo từng cơ địa mà trẻ có thể bị chàm sữa kéo dài đến tận 2 tháng tuổi, với biểu hiện là những vết mẩn đỏ xuất hiện dài ở 2 bên má. Những tổn thương này ban đầu chỉ là những vết li ti màu đỏ, nhưng theo thời gian, chúng có thể tiến triển thành mụn nước, khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh chàm sữa rất dễ tái phát nếu trẻ tiếp xúc với thực phẩm hoặc thời tiết không phù hợp và bị dị ứng. Vì vậy, trẻ bị chàm sữa cần được chăm sóc và điều trị theo đúng phác đồ của các chuyên gia da liễu. Đồng thời, phải giữ cho làn da bé luôn sạch sẽ và khô thoáng, giữ ẩm bằng các loại kem bôi phù hợp và tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm.
Côn trùng đốt
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt phải kể đến là do bé bị côn trùng cắn. Tuỳ vào từng loại côn trùng có độc hoặc không độc mà mẹ nên có cách xử lý khác nhau. Bởi những loại côn trùng này có thể gây nên những triệu chứng khác nhau cho bé sau khi bị đốt:
- Với côn trùng có độc: Những côn trùng có độc sẽ dùng vòi đâm qua da và đưa chất độc vào cơ thể. Chính vì thế bé sẽ cảm nhận được những cơn đau nhức dữ dội và xuất hiện những vết sưng đỏ nghiêm trọng. Kèm theo đó còn có thể có những triệu chứng như ốm, sốt, sốc phản vệ,… Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được xử lý.
- Với côn trùng không độc: Đối với côn trùng không độc, bé có thể cảm nhận được cơn đau nhức nhẹ ở ngay chỗ bị đốt. Sau đó, các vết mẩn đỏ sẽ xuất hiện kèm theo ngứa và châm chích. Các triệu chứng do côn trùng không độc có thể thuyên giảm theo thời gian nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
Rôm sảy
Da mặt là vùng da nhạy cảm nhất cũng như ít được che chắn nhất nên rất dễ tiếp xúc với bụi bẩn và vi khuẩn. Cộng thêm việc tuyến mồ hôi trên đầu bé thời điểm này cũng sẽ hoạt động mạnh nhất, thường xuyên chảy xuống mặt. Những yếu tố trên là nguyên nhân chính gây bít tắc lỗ chân lông ở mặt, khiến trẻ bị rôm sảy.
Mẹ có thể dễ dàng nhận biết bé bị rôm sảy thông qua các biểu hiện như sau:
- Trên da mặt xuất hiện các vết đỏ rải rác như phát ban trong khoảng 1 ngày.
- Khảong 3-4 ngày tới, các vết đỏ đó sẽ chuyển thành mụn li ti, có thể có nước hoặc không có ở bên trong.
- Trong khoảng vài ngày tới, các mụn li ti sẽ to dần và vỡ ra, chảy mủ nước gây nhiễm trùng.
- Mụn rôm sảy sau đó có thể lan rộng hơn xuống cổ, gáy và các bộ phận khác.
- Bé sẽ cảm thấy những cơn ngứa khó chịu nên hay dùng tay gãi mặt, hay quấy khóc và ăn ngủ không ngon.
Rôm sảy sẽ không gây nguy hiểm cho bé mà sẽ có thể hồi phục sau khoảng 1 tuần nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Ngược lại, nếu không can thiệp sớm, rôm sảy có thể gây thành biến chứng nhiễm trùng da mặt hoặc viêm da mạn tính thường xuyên tái phát.
Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết khiến trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bé đang bị ảnh hưởng. Nguyên nhân chính khiến trẻ bị dị ứng có thể kể đến là do thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài cơ thể. Đồng thời, một phần cũng do thời tiết thất thường tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát tán mầm bệnh.
Trẻ bị dị ứng thời tiết có thể gặp phải những biến chứng đồng thời như nổi mẩn đỏ, chảy mũi, hắt hơi, da bong tróc vảy, mắt đỏ, chảy nước mắt,… Vì vậy, vào những thời điểm giao mùa, cha mẹ hãy hạn chế cho bé ra ngoài chơi. Nếu có thì hãy tắm rửa và thay quần áo cho bé thật sạch sẽ, rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý hay bật máy lọc khí trong phòng.
Sốt phát ban
Sốt phát ban là hiện tượng bé bị nóng sốt, xuất hiện các đốm đỏ trên da. Trường hợp nặng có thể gây sốt cao và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại sốt phát ban phổ biến đó là:
- Ban đào: Ban đào xuất hiện mẩn đỏ dày hơn nhưng có màu nhạt hơn, khá lành tính đối với trẻ em. Lúc đầu phát ban sẽ xuất hiện ở mặt, sau đó khoảng 3 ngày sẽ lan dần xuống dưới chân.
- Ban đỏ: Ban đỏ (ban sởi) xuất hiện mẩn đỏ sần sùi, nổi hẳn trên mặt da, khi hết sẽ bị thâm. Lúc đầu, phát ban xuất hiện ở sau tai sau đó lan ra mặt, ra ngực, bụng và ra toàn thân đi kèm với triệu chứng chảy nước mũi hoặc đỏ mắt.
Trong trường hợp sốt phát ban nhẹ, cha mẹ có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện những dấu hiệu sốt cao trên 39.4 độ C, mất nước do tiêu chảy hoặc dùng thuốc 3 ngày không đỡ, bạn nên đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Mẹ lên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nổi mẩn ở mặt?
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt, mẹ cần lưu ý nên thực hiện những điều sau:
- Việc vệ sinh da của bé rất quan trọng, cha mẹ cần giữ da bé sạch sẽ để phòng tránh nhiễm bệnh. Tuy nhiên, mỗi bệnh lại cần có cách xử lý khác nhau, đôi khi bé sẽ phải kiêng nước. Trong trường hợp đó, mẹ có thể sử dụng một chiếc khăn xô mỏng để lau trên bề mặt vết mẩn đỏ.
- Hạn chế cho làn da của bé phải tiếp xúc với nhiều hoá mỹ phẩm như sữa tắm, dầu gội đầu, kem bôi da,… trừ khi được chỉ định trực tiếp từ phía bác sĩ.
- Hãy chọn cho bé những loại quần áo, mũ, khăn mỏng nhẹ, mềm mịn, thấm hút tốt để tránh cọ xát với làn da gây bội nhiễm nguy hiểm hơn.
- Chú ý không cho bé lấy tay gãi lên những nốt mẩn đỏ trên da, bởi vi khuẩn trên móng tay rất dễ xâm nhập vào những vết thương hở, gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
- Nên bổ sung cho bé sữa hoặc nước để tăng cường sức đề kháng.
Hy vọng qua bài viết trên của Tổ hợp y tế Cổ truyền biện chứng Quân dân 102, độc giả đã có thể hiểu thêm về hiện tượng trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở mặt và cách xử trí chính xác. Những tháng đầu đời là thời điểm con nhạy cảm nhất với môi trường xung quanh, vì vậy cha mẹ hãy thật chú ý để phòng ngừa cho bé nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!