Đau Khớp Gối Sau Sinh
Đau khớp gối sau sinh là vấn đề khiến không ít mẹ bỉm sữa cảm thấy khó chịu và bức bối. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày. Chính vì vậy, việc nắm rõ những thông tin liên quan đến chứng đau nhức gối sau sinh nở là rất quan trọng và thiết yếu với chị em phụ nữ.
Nguyên nhân gây đau khớp gối sau sinh
Thời gian thai sản, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi, điển hình nhất là tình trạng mẹ bầu bị đau khớp gối khi mang thai. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp phải đối mặt với tình trạng này ngay cả khi đã sinh con.
Đau khớp gối sau sinh có thể xảy ra đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng, khiến sức khỏe và tinh thần của các bà mẹ gặp không ít ảnh hưởng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra chứng bệnh này:
- Sự tăng cân trong thai kỳ: Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau nhức khớp gối sau khi sinh. Trong thời gian mang thai, trọng lượng cơ thể người mẹ và cả em bé trong bụng không ngừng tăng lên. Điều này vô tình khiến áp lực đè nén lên xương sống và khớp gối trở nên nhiều hơn, kết quả là người mẹ gặp phải những cơn đau nhức khó chịu sau đó.
- Viêm khớp mãn tính: Có một số trường hợp người mẹ bị đau đầu gối sau khi sinh do trước đó đã có vấn đề về xương khớp, nổi bật nhất trong số này chính là viêm khớp mãn tính. Bởi vì sụn khớp vốn bị tổn thương từ trước cộng thêm áp lực gia tăng từ cân nặng, mẹ bỉm sữa dễ dàng gặp phải tình trạng đau nhức khó chịu về sau.
- Sự thay đổi của hormone nội tiết: Dù chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng hormone nội tiết tố thay đổi cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau khớp gối sau sinh. Các hormone này làm cho dây chằng căng giãn ra, phục vụ cho quá trình mang thai và sinh nở. Sau khi kết thúc giai đoạn này, những hormone này cần một khoảng thời gian để ổn định hoàn toàn, vì thế mà người mẹ dễ phải chịu đựng những cơn đau nhức khó chịu.
- Ít vận động: Nếu trong thời gian mang thai, người mẹ không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên thì rất có thể sẽ gặp phải vấn đề về đầu gối sau đó. Nguyên nhân là vì các cơ khớp đầu gối không được thư giãn và thả lỏng đầy đủ, khiến chúng dễ bị khô cứng và co thắt.
Các triệu chứng của đau khớp gối sau sinh
Các bệnh nhân bị đau khớp gối sau sinh mổ và sinh thường có thể gặp phải một số triệu chứng khác dưới đây:
- Cảm giác nhức mỏi âm ỉ khó chịu tại vùng đầu gối. Tình trạng này càng gia tăng khi người bệnh ngồi xổm, leo cầu thang, nâng chân,…
- Cảm giác mất sức ở hai chân, đôi khi kèm theo đó là tình trạng tê buốt, tê như kiến bò, hai bàn chân không có cảm giác.
- Đầu gối bị sưng tấy kèm theo nóng đỏ khó chịu. Khi người bệnh co đầu gối có thể nghe thấy những tiếng lục khục hoặc khó có thể di chuyển bình thường nếu ngồi một chỗ quá lâu.
Đau khớp gối sau khi sinh có nguy hiểm không? Kéo dài bao lâu?
Về cơ bản, đau khớp đầu gối sau khi sinh không phải là tình trạng nguy hiểm, người bệnh nếu phát hiện sớm thì có thể giải quyết nó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu để lâu kéo dài không điều trị, tình trạng này có thể kéo theo một số những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý và chất lượng cuộc sống của các “mẹ bỉm sữa”.
Một trong những hậu quả thường thấy nhất của đau khớp gối sau sinh là việc mất ngủ do các cơn đau nhức kéo dài cả ngày lẫn đêm. Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị hạn chế trong vận động, nhất là với những động tác cần sử dụng đầu gối.
Cũng có không ít thắc mắc về việc tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Theo các chuyên gia, điều này phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của người mẹ. Ở mức độ chung, nghĩa là cơn đau xuất phát từ việc cơ thể có sự thay đổi do mang thai, nó có thể sẽ kéo dài trong khoảng vài tuần. Còn đối với những trường hợp liên quan đến vấn đề xương khớp, tình trạng này còn thể sẽ dai dẳng trong khoảng 4 đến 6 tháng.
ĐỪNG BỎ LỠ:
Cách chẩn đoán đau khớp gối sau sinh
Việc chẩn đoán đau khớp gối sau sinh là rất quan trọng, điều này giúp nhận định chính xác nguyên nhân tiềm ẩn và có các giải quyết thích hợp nhất. Thông thường, quá trình chẩn đoán được thực hiện với những biện pháp sau đây:
- Kiểm tra thể chất: Các bác sĩ trước tiên bắt đầu với việc yêu cầu người bệnh liệt kê ra những triệu chứng mà bản thân thường gặp phải, nếu có thể thì mô tả rõ ràng cảm giác và tần suất. Sau đó, họ sẽ tiến hành xoa nắn đầu gối để kiểm tra mức độ đau cũng như yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số động tác sử dụng đầu gối.
- Kiểm tra hình ảnh: Bên cạnh việc kiểm tra thể chất, một số kiểm tra hình ảnh cũng có thể được chỉ định. Các kiểm tra này sẽ giúp xác định xem khớp gối của chị em có bị tổn thương hay không. Thông qua đó chẩn đoán những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý xương khớp. Ví dụ: Chụp X-quang, chụp MRI cộng hưởng từ,…
- Xét nghiệm chuyên sâu: Trong một trường hợp nghi ngờ hormone thay đổi hoặc nhiễm trùng đầu gối, các bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm máu, dịch khớp gối, EMG,… Những xét nghiệm này phục vụ cho công tác điều trị về sau, giúp kết quả phục hồi sức khỏe ở bệnh nhân đạt mức độ cao nhất.
Điều trị đau khớp gối sau sinh
Điều trị đau nhức khớp gối sau khi sinh phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Chính vì vậy, lời khuyên là các mẹ không nên chủ quan tự điều trị tại nhà mà nên tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn. Dưới đây là một số cách trị đau khớp gối sau sinh phổ biến nhất hiện nay:
Các biện pháp tại nhà
Các biện pháp tại nhà thường rất đa dạng, từ chườm đến bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, hầu hết những biện pháp này chỉ thích hợp với các trường hợp đau vừa và nhẹ, mang tác dụng hỗ trợ là chính.
Liệu pháp chườm lạnh
Chườm lạnh là một trong những cách chữa đau khớp gối tại nhà giúp giảm đau hiệu quả. Liệu pháp này còn có khả năng giảm sưng, giảm viêm và thúc đẩy lưu thông tuần hoàn máu.
Chuẩn bị: 1 khăn bông cỡ lớn, vài viên đá lạnh.
Cách thực hiện:
- Dùng khăn bông bọc lấy đá lạnh, buộc chặt một đầu để tạo thành dạng túi chườm.
- Áp túi chườm lên vùng đầu gối trong khoảng 5 phút thì nghỉ khoảng 1 phút. Tiếp tục thực hiện chườm lạnh cho đến khi tình trạng được cải thiện.
Bài thuốc từ ngải cứu
Ngải cứu cũng được sử dụng khá nhiều trong giảm đau, chống viêm và cầm máu. Liệu pháp điều trị đau khớp gối sau sinh này được đánh giá cao bởi tính an toàn, ít gây tác dụng phụ với mẹ bỉm sữa.
Chuẩn bị: 50g lá ngải tươi, 1 chiếc khăn mặt.
Cách thực hiện:
- Lá ngải cho vào chảo rang đến khi bốc khói trắng.
- Bỏ lá ngải vào trong khăn mặt, kiểm tra nhiệt độ rồi chườm lên vùng đầu gối bị đau trong 5 đến 7 phút.
- Nếu lá ngải hết nóng thì lại tiếp tục cho lên chảo rang rồi thực hiện như trên.
Bài thuốc từ lá lốt
Giống như lá ngải, lá lốt là một trong những bài thuốc dân gian trị đau nhức khớp gối rất hiệu quả. Lá lốt có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giảm sưng tấy, thích hợp dùng với cả thai phụ và người đang trong thời gian cho con bú.
Để dùng lá lốt chữa viêm khớp, người bệnh có thể tham khảo hướng dẫn sau:
Chuẩn bị: 100g lá lốt, 1 nhúm muối hột và 1.5 lít nước lọc.
Cách thực hiện:
- Lá lốt rửa sạch, cho vào nồi cùng với nước lọc, đun sôi.
- Đợi nước thuốc nguội bớt thì cho thêm muối hột vào, khuấy tan. Người bệnh ngâm chân trong nước thuốc khoảng 20 phút, thực hiện đều đặn hàng ngày.
Điều trị đau khớp gối sau sinh bằng Tây y
Trong trường hợp này, các loại thuốc đường uống và đường tiêm không được khuyến khích sử dụng. Nguyên nhân là vì chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Theo chuyên gia xương khớp, các loại thuốc giảm đau dạng xịt được xem là lựa chọn thích hợp trong các trường hợp đau nhức khớp gối sau sinh. Chúng thường tác động đến bên ngoài, khiến bệnh nhân cảm thấy mát lạnh và dễ chịu hơn. Một số loại thuốc phổ biến là Salonpas, Viga, Strobone,…
Điều trị bằng vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sở hữu rất nhiều ưu điểm với người bệnh đau khớp gối sau sinh, ví dụ như tính an toàn, hiệu quả lâu dài,… Các biện pháp này chủ yếu có tác dụng giảm đau, tăng cường sức mạnh cơ bắp và lưu thông khí huyết trong cơ thể.
Trong trường hợp của các mẹ sau sinh, chuyên gia khuyến nghị không nên lạm dụng những biện pháp như châm cứu, vì có thể ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa. Thay vào đó, các mẹ có thể lựa chọn những liệu pháp tác động bên ngoài như xoa bóp, massage, bấm huyệt, sử dụng thiết bị luyện tập chuyên dụng,… sau khi trao đổi với bác sĩ.
Mẹ sau sinh bị đau khớp gối nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bị đau khớp gối sau sinh cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Điều này có thể giúp cải thiện đáng kể triệu chứng cũng như hỗ trợ sức khỏe nhanh chóng hồi phục hơn.
Các loại thực phẩm nên tăng cường gồm có:
- Nhóm các loại rau có màu đậm như cà rốt, bí đỏ, bí ngòi, súp lơ và các loại rau họ cải.
- Những loại hoa quả có múi như cam, bưởi, quýt ngọt,…
- Ngũ cốc chứa nhiều chất xơ dễ tiêu hóa như yến mạch, gạo lứt ngà, diêm mạch, hạt chia,…
- Những loại thịt cá biển giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ,…
Bên cạnh đó, các mẹ bỉm sữa cũng cần hạn chế tiêu thụ một số thực phẩm sau đây:
- Thịt đỏ và mỡ động vật như thịt bò, thịt dê, thịt lợn,…
- Các loại thực phẩm giàu axit béo omega-6 như trứng, dầu thực vật, thịt gia cầm,…
- Đồ uống có chứa nhiều đường như nước ép trái cây đóng hộp, nước ngọt,…
Cách phòng ngừa bị đau khớp gối sau sinh
Để phòng ngừa chứng đau khớp gối sau sinh, các mẹ cần chú ý một số vấn đề sau:
- Tăng cường vận động cơ thể trong thời gian mang thai. Các mẹ có thể áp dụng một số bộ môn thể dục có cường độ vừa phải như đi bộ, bơi lội,…
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng đối với thực đơn hàng ngày. Cung cấp cho cơ thể lượng calo phù hợp, đảm bảo cân nặng khỏe mạnh trong thời gian mang thai.
- Tránh các tư thế gây ảnh hưởng đến cột sống và khớp gối, tránh ngồi quá lâu hoặc mang vác nặng.
- Giữ đầu óc thư giãn và thoải mái, tránh căng thẳng tâm lý hoặc thức quá khuya.
- Thăm khám định kỳ tại bệnh viện theo đúng chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi và chính bản thân mình.
Đau khớp gối sau sinh tuy không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng không thể chủ quan. Trải qua quá trình mang thai và sinh nở, cơ thể người mẹ thường phát sinh nhiều thay đổi khó nắm bắt. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu đau nhức đầu gối khó chịu, tốt nhất là bệnh nhân nên dành thời gian đi kiểm tra để được tư vấn và điều trị kịp thời.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!