Viêm Khớp Gối

Viêm khớp gối là một trong những bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi, gây ra không ít phiền toái trong sinh hoạt thường ngày. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng di chuyển, vận động của người bệnh.

Viêm khớp gối là gì?

Viêm khớp gối bệnh học được hiểu đơn giản là tình trạng đau nhức, sưng tấy xảy ra ở vị trí nối giữa xương bánh chè, xương đòn đùi và xương ống chân. Theo các bác sĩ, có đến hơn 100 dạng viêm khớp có thể gây ảnh hưởng xấu đến vùng khớp gối, nhưng phổ biến nhất là thoái hóa khớp (tên khoa học: Osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (tên khoa học: Rheumatoid arthritis).

Viêm khớp gối gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày
Viêm khớp gối gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày

Bệnh lý này thường xảy ra ở lứa tuổi ngoài 40, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi, nhất là với các trường hợp đã từng bị chấn thương đầu gối như rách sụn chêm, giãn dây chằng hoặc gãy xương. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng viêm đau hai khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng tiêu cực với sức khỏe bệnh nhân.

Nguyên nhân viêm khớp gối

Có khá nhiều nguyên nhân có thể gây ra viêm khớp gối, nổi bật trong số đó có thể kể đến là:

  • Tuổi tác: Khi cơ thể con người già đi, xương khớp cũng chịu nhiều tác động từ sự lão hóa. Hậu quả là sụn khớp có thể bị bào mòn theo thời gian, dẫn đến tình trạng viêm đau khó chịu. Một trong những vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất chính là đầu gối, vì nó đảm nhận nhiệm vụ giúp cơ thể di chuyển.
  • Chấn thương đầu gối: Ở những người từng bị chấn thương đầu gối như rách sụn chêm, rách dây chằng, gãy xương bánh chè,… nguy cơ bị viêm đau khớp gối thường cao hơn bình thường. Lý do là vì dù tổn thương đã hồi phục nhưng chúng vẫn có thể để lại di chứng đối với bộ phận từng bị ảnh hưởng.
  • Thói quen và lối sống không khoa học: Thói quen và lối sống có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến xương khớp. Ví dụ: Những người ít vận động, hút thuốc lá thường xuyên hoặc ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin,… rất dễ bị viêm khớp gối.
  • Cân nặng dư thừa: Khi cơ thể bị thừa cân, béo phì, trọng lực đè nén lên hệ thống xương khớp, nhất là khớp gối sẽ gia tăng thêm đáng kể. Nếu tình trạng này kéo dài không cải thiện, lại kết hợp với yếu tố ít vận động, nguy cơ xảy ra viêm đau khớp gối là rất cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân bệnh viêm khớp chủ yếu.
  • Các bệnh lý tự miễn: Hệ miễn dịch của con người đảm nhận nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, virus khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Thế nhưng, nếu mắc phải các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, hệ miễn dịch có thế “tấn công” ngược lại niêm mạc và mô sụn khớp. Điều này có thế dẫn đến tình trạng viêm cục bộ cho xương, sụn đệm, gân cơ và dây chằng. 

Triệu chứng bệnh viêm khớp gối

Theo các bác sĩ chuyên khoa xương khớp, triệu chứng bệnh viêm khớp gối khá đa dạng. Một số dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh có thể kể đến là:

  • Đau nhức theo cường độ tăng dần: Đau khớp gối thường bắt đầu từ từ với cảm giác âm ỉ khó chịu ở người bệnh. Nhưng sau đó, mức độ đau ngày càng gia tăng nặng thêm, nhất là khi người bệnh ngồi một chỗ quá lâu, leo cầu thang, ngồi xổm, thời tiết thay đổi,…
  • Sưng tấy và yếu sức: Giống như đau nhức, sưng tấy và yếu sức cũng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp đầu gối. Khi các hormone gây viêm khiến chất hoạt dịch tích tụ bên trong đầu gối, điều này có thể gây ra tình trạng sưng tấy, khi sờ vào có cảm giác mềm. Thêm vào đó, bệnh nhân còn cảm thấy yếu sức ở chân và khó đứng vững.
  • Khó khăn khi duỗi thẳng hoặc co gối: Theo thời gian, tình trạng viêm khớp gối có thể khiến cấu trúc của khớp gối mất ổn định, khiến gân nối cơ căng giãn hoặc hình thành gai xương. Điều này gây khó khăn cho người bệnh mỗi khi thực hiện động tác duỗi thẳng hoặc gập, co đầu gối lại.
  • Âm thanh lạo xạo khi co đầu gối: Ở một số người bệnh, bên cạnh các triệu chứng nêu trên còn có cả âm thanh lạo xạo mỗi khi co đầu gối. Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng crepitus, xảy ra khi viêm đã tổn thương sụn khớp quá mức, khiến bề mặt sụn trở nên thô ráp hơn.
Người bệnh thường cảm thấy đau nhức khó chịu vừng đầu gối
Người bệnh thường cảm thấy đau nhức khó chịu vừng đầu gối

Bệnh viêm khớp gối có nguy hiểm không?

Nếu không được chẩn đoán và có biện pháp điều trị sớm, viêm khớp đầu gối có thể dẫn đến một số các biến chứng xấu sau đây:

  • Loãng xương: Những hormone gây viêm trong cơ thể về lâu dài nếu không được giải quyết có thể ức chế quá trình hình thành mô xương. Hậu quả là loãng xương, xương xốp và gãy xương xảy ra với người bệnh.
  • Vận động khó khăn: Biến chứng này thường gặp nhất ở những người bị viêm khớp gối thể thoái hóa. Theo thời gian, cấu trúc của sụn khớp dần bị hao mòn, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc chuyển động cũng như thực hiện một số động tác liên quan đến đầu gối. Bên cạnh đó, một số người còn bị mất ngủ do cơn đau kéo dài dai dẳng cả ngày lẫn đêm.
  • Biến dạng xương đầu gối: Biến dạng xương đầu gối là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp ở khớp gối. Nguyên nhân là vì bệnh lý này có thể phá hủy sụn khớp và cả cấu trúc của xương. Một vài báo cáo y tế còn chỉ ra mức độ ảnh hưởng của thể bệnh này đối với phụ nữ, ví dụ như khó thụ thai hoặc làm tăng nguy cơ sinh non.

CLICK ĐỌC NGAY:

Hình thức chẩn đoán phổ biến nhất hiện nay

Việc chẩn đoán viêm khớp gối thường khá phức tạp. Nguyên nhân là vì có đến hơn 100 thể bệnh khác nhau mà các triệu chứng bên ngoài lại có nhiều điểm tương đồng. Một số biện pháp thường được sử dụng để xác định bệnh lý này gồm có:

  • Kiểm tra thể chất: Rất nhiều người thường nhầm lẫn viêm khớp với chấn thương nhẹ bên ngoài do va đập. Thế nhưng, nếu các dấu hiệu không thuyên giảm sau ba ngày, người bệnh cần ghé thăm bệnh viện ngay. Tại đây, các bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện một bài kiểm tra thể chất bằng cách cử động khớp gối. Điều này giúp xác định triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của chúng. 
  • Xét nghiệm phòng thí nghiệm: Các xét nghiệm phòng thí nghiệm được thực hiện nhằm mục đích loại bỏ một số nguyên nhân không phải viêm khớp cũng như xác định thể bệnh mà người bệnh gặp phải. Các xét nghiệm chuyên sâu này gồm có: Xét nghiệm kháng thể anti CCP, kháng thể nhân ANA, protein phản ứng C, xét nghiệm HLA, tốc độ lắng hồng cầu và nồng độ axit uric trong máu.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Bên cạnh xét nghiệm chuyên sâu, xét nghiệm hình ảnh cũng được thực hiện. Thông qua kết quả chụp X-quang, cộng hưởng từ MRI,.. các bác sĩ có thể xác định mức độ tổn thương của sụn khớp cũng như việc có gai xương hình thành hay không.
Người bệnh có thể phải thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu
Người bệnh có thể phải thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu

Các biện pháp điều trị viêm khớp gối

Sau khi chẩn đoán được thể bệnh viêm khớp mà người bệnh đang gặp phải, các bác sĩ sẽ tiến hành xây dựng phác đồ điều trị. Dưới đây là một số các biện pháp phổ biến nhất hiện nay:

Hỗ trợ điều trị bệnh bằng biện pháp dân gian

Người bệnh cũng có thể sử dụng một số bài thuốc thảo dược dân gian tự nhiên dưới đây để hỗ trợ và làm giảm tình trạng đau nhức khó chịu:

Bài thuốc từ gừng tươi

Trong gừng tươi có chứa gingerol, một trong những hoạt chất có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bài thuốc từ gừng cũng giúp cải thiện tình trạng viêm sưng và nóng đỏ ở vùng khớp đầu gối.

Thành phần: 1 củ gừng tươi, muối trắng và 1 lít nước lọc.

Cách thực hiện:

  • Gừng tươi sau khi rửa sạch thì dùng dao thái thành từng lát mỏng.
  • Cho gừng và nước vào nồi, đun đến khi sôi.
  • Chắt phần nước gừng vào chậu, thêm muối trắng rồi hòa tan. Người bệnh dùng hỗn hợp này ngâm chân trong khoảng 10 đến 20 phút mỗi ngày.

Bài thuốc từ rau ngải cứu

Rau ngải cứu cũng là một trong những vị thuốc Nam có đặc tính chống viêm và sát khuẩn mạnh mẽ. Theo y học cổ truyền, rau ngải cứu mùi thơm, vị đắng và tính ấm, giúp giảm đau và ngăn ngừa viêm sưng hiệu quả. Vì vậy dân gian đánh giá cao cách trị đau xương khớp bằng ngải cứu.

Ngải cứu có tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả
Ngải cứu có tác dụng chống viêm và giảm đau hiệu quả

Thành phần: 20g rau ngải cứu, 10ml rượu trắng.

Cách thực hiện:

  • Rau ngải cứu sau khi rửa sạch và để ráo nước thì cho vào cối giã nát.
  • Bỏ phần rau đã nghiền vào chảo rang cho ấm nóng lên, thêm rượu trắng vào và đảo đều.
  • Đắp phần thuốc này lên vùng đầu gối bị đau nhức, mỗi ngày 1 lần.

Điều trị bằng Tây y

Điều trị viêm khớp gối bằng Tây y thường gồm ba phương án chính là dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.

Liệu pháp sử dụng thuốc nội khoa

Loại thuốc được sử dụng phụ thuộc vào nguyên nhân và dạng bệnh gặp phải. Danh sách các thuốc điều trị thường bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không chứa steroid: Với những người có các triệu chứng ở mức độ nhẹ, thuốc chống viêm không chứa steroid là lựa chọn hàng đầu. Những loại thuốc này có thể giúp giảm thiểu nhanh chóng tình trạng đau nhức và viêm sưng khó chịu. Ví dụ: Ibuprofen, naproxen, paracetamol,..
  • Thuốc kích thích giảm đau: Bên cạnh việc sử dụng thuốc uống tác dụng từ bên trong, người bệnh cũng có thể áp dụng thêm các thuốc kích thích giảm đau bên ngoài. Thành phần chính của thuốc thường là tinh dầu bạc hà hoặc capsaicin, khiến vùng đau nhức dịu lại nhanh chóng. Ví dụ: Turpentine oil, camphorated oil,.. 
  • DMARDs: Các loại thuốc chống thấp khớp DMARDs được sử dụng rộng rãi trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, khiến hormone gây viêm không thể hoạt động. Ví dụ: Methotrexate, hydroxychloroquine,…
  • Corticosteroids: Nếu như các thuốc chống viêm không chứa steroid phát huy tác dụng kém hiệu quả, các thuốc corticosteroids (prednisone, cortisone) có thể được lựa chọn. Thuốc có công dụng chính là giảm đau và ức chế hệ thống miễn dịch, có thể được dùng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp gối
Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm khớp gối

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu sở hữu rất nhiều tác dụng đối với bệnh nhân viêm khớp gối, ví dụ như mở rộng phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh cơ bắp và hỗ trợ làm giảm cơn đau. Tùy theo tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân mà các chuyên gia sẽ xây dựng hệ thống bài tập trị liệu khác nhau.

Phẫu thuật

Nếu như mức độ tổn thương của sụn khớp quá nghiệm trọng hoặc các thuốc không phát huy tác dụng với người bệnh, các bác sĩ có thể đề nghị biện pháp phẫu thuật.

  • Sửa chữa khớp: Trong một số trường hợp, bề mặt sụn khớp có thể được làm nhẵn lại để giảm bớt sự ma sát, cải thiện chức năng khớp gối và giảm đau. Những thủ thuật này thường được tiến hành bằng phương pháp nội soi và các thiết bị chuyên dụng.
  • Thay khớp gối: Đối với trường hợp không thể sửa chữa, các khớp tổn thương sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn và thay thế bằng khớp nhân tạo. Dạng phẫu thuật này được thực hiện phổ biến với người bị viêm khớp đầu gối hoặc viêm khớp hông.

Viêm khớp gối nên ăn gì? Kiêng ăn gì?

Đối với những người bị viêm khớp gối, chế độ dinh dưỡng đóng một vài trò quan trọng. Bởi vì những loại thực phẩm mà người bệnh tiêu thụ mỗi ngày có thể khiến tình trạng viêm sưng giảm thiểu hoặc gia tăng đáng kể. Dưới đây là một số gợi ý của chuyên gia trong việc xây dựng thực đơn ăn kiêng ở người bệnh đau hai khớp gối:

  • Thực phẩm nên ăn: Các loại rau xanh đậm (cải kale, rau chân vịt, ớt chuông, súp lơ xanh,…), các loại trái cây giàu hoạt chất chống viêm và oxy hóa (việt quất, trái anh đào, nam việt quất, dâu tây,…), các loại thịt cá biển, các loại ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, hạt chia, diêm mạch), các loại đậu hạt (đậu xanh, đậu thận, đậu cove…).
  • Thực phẩm nên tránh: Đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện (bánh kẹo, nước ngọt,…), nhóm thịt đỏ (thịt cừu, thịt bò, thịt lợn,…), thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế (gạo trắng, bột mì trắng), đồ uống có cồn, các loại dầu thực phẩm giàu omega-6 (dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương,…).
Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và trái cây
Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh và trái cây

Chăm sóc và phòng ngừa viêm khớp đầu gối

Chế độ chăm sóc và phòng ngừa viêm khớp gối cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Bảo vệ khớp gối: Việc bảo vệ khớp gối kỹ càng có thể giúp hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương hoặc triệu chứng tăng nặng. Người bệnh có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ như miếng bọc gối cũng như áp dụng đúng kỹ thuật khi dùng đầu gối trong các hoạt động thường ngày.
  • Phòng ngừa các chấn thương đầu gối: Theo thời gian, tình trạng hao mòn sụn khớp ở đầu gối sẽ diễn ra. Tuy nhiên, việc gặp phải các chấn thương trong thể thao hay lao động có thể khiến tỷ lệ mắc viêm khớp trở nên cao hơn. Chính vì vậy, các bác sĩ thường khuyến nghị mọi người đảm bảo an toàn cho đầu gối trong khi chơi thể thao hay lao động chân tay bằng các thiết bị bảo vệ chuyên dụng.
  • Tập thể dục: Luyện tập thể dục không chỉ giúp giảm bớt áp lực lên các khớp đầu gối mà còn tăng cường sức mạnh cho cơ bắp xung quanh đó. Điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương và viêm khớp gối. Các chuyên gia khuyên mọi người nên lựa chọn những môn thể thao phù hợp với thế chất và dành ít nhất 30 phút hàng ngày để luyện tập.
  • Duy trì cân nặng thích hợp: Đầu gối là nơi chịu trọng lực nhiều nhất khi khối lượng cơ thể gia tăng. Chính vì vậy, duy trì cân nặng khỏe mạnh là một trong những cách phòng tránh viêm đau khớp gối hiệu quả nhất. Mọi người nên điều tiết cân nặng thông qua chế độ dinh dưỡng cũng như việc tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Viêm khớp gối là tình trạng bệnh rất dễ tiến triển xấu nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên đi khám tại bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu đầu tiên để bảo vệ tối đa sức khỏe của các khớp đầu gối.

BÀI VIẾT HỮU ÍCH:

Array

Chia sẻ

Cách chữa
Thuốc chữa
Dinh dưỡng
Đau đầu gối khi xuống cầu thang là bệnh gì? Biện pháp khắc phục

Đau đầu gối khi xuống cầu thang là bệnh gì? Biện pháp khắc phục

Đau đầu gối khi xuống cầu thang gây nhiều phiền toái lên chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top