Viêm Loét Đại Trực Tràng Chảy Máu Và Phương Pháp Điều Trị
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh lý tiêu hóa phổ biến thường gặp ở người trưởng thành. Bệnh nhân mắc phải bệnh lý này thường bị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý và đời sống sinh hoạt. Trường hợp không được điều trị sớm, bệnh viêm đại tràng chảy máu còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng. Bài viết dưới đây của Tổ hợp y tế Cổ truyền biện chứng Quân dân 102 sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì?
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng viêm ruột mãn tính, xuất hiện với những tổn thương liên tục làm ảnh hưởng tới sức khỏe, mọi mặt đời sống. Những tổn thương mà bệnh gây ra thường lan tỏa ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, chủ yếu khu trú ở vùng trực tràng và giảm dần đến đại tràng phải.
Theo các chuyên gia y tế, viêm đại trực tràng chảy máu là bệnh tiêu hóa nguy hiểm. Bệnh xảy ra ở cả nam và nữ giới với tỷ lệ mắc tương đương nhau. Thông thường, bệnh thường được ghi nhận nhiều ở các nước đang phát triển, chủ yếu là ở những nhóm tuổi từ 15 – 40. Cụ thể, cứ 100.000 dân thì có 50 người bị bệnh, tỷ lệ tăng hàng năm là 5/100.000 dân.
Bệnh Crohn, đại tràng sigma và viêm loét đại tràng thường được gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột. Dù những bệnh này đều gây chảy máu và có nhiều điểm tương đồng nhưng chúng có thể được phân biệt nếu được tiến hành xét nghiệm – kiểm tra.
Nguyên nhân gây viêm loét đại trực tràng chảy máu
Nguyên nhân gây viêm loét trực tràng chảy máu hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, bệnh có thể liên quan tới những yếu tố sau đây:
- Do yếu tố miễn dịch: Một vài nghiên cứu cho thấy mối liên quan hệ giữa bệnh viêm loét trực tràng chảy máu với hệ miễn dịch. Cụ thể, có đến 80% người bệnh dương tính với kháng thể pANCA và tỷ lệ này còn cao hơn nếu người bệnh mắc thêm viêm xơ chít hẹp đường mật. Song song với đó, rối loạn miễn dịch trực tràng cũng là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn tác động và gây viêm loét, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Yếu tố di truyền: Bệnh có thể hình thành do một vài mã gen gây bệnh nhưng vẫn chưa thể tìm ra. Các nhà nghiên cứu chỉ đang nghi ngờ mối quan hệ giữa bệnh lý này với mã gen HLA – DRB1*1502. Đồng thời theo các số liệu thu thập được, có đến 20% số bệnh nhân bị chảy máu trực tràng do viêm loét có ít nhất 1 người thân trong gia đình mắc bệnh.
- Yếu tố tâm sinh lý: Tâm sinh lý bất ổn, thường xuyên lo lắng, stress, áp lực sẽ tác động xấu tới hoạt động của đường tiêu hóa. Đồng thời là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm đại trực tràng chảy máu. Ở những đối tượng đã có tổn thương, việc thường xuyên rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn sẽ dễ khiến bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu hơn.
- Yếu tố nhiễm khuẩn: Tác nhân trực tiếp gây tổn thương niêm mạc đại tràng là do vi khuẩn, virus, đặc biệt là E.coli, Campylobacter hay Shigella,…
- Thói quen xấu: Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn chính là nguyên nhân khiến đại tràng bị viêm loét. Trường hợp không được cải thiện, bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng, khó kiểm soát và khó điều trị.
- Lạm dụng thuốc: Ngoài những nguyên nhân nêu trên, việc lạm dụng một số thuốc tân dược cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm đại trực tràng chảy máu. Chẳng hạn, việc sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên có khả năng làm tăng nguy cơ bị viêm loét đường tiêu hóa, viêm loét trực tràng cao hơn 2.5 lần so với những người bình thường. Vậy nên, để bảo vệ chức năng của đường tiêu hóa nói chung và khu vực trực tràng nói riêng, các bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Triệu chứng của viêm loét đại trực tràng chảy máu
Bệnh nhân bị viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gặp những triệu chứng đặc trưng sau đây:
- Đau bụng: Mức độ đau sẽ phục thuộc vào tình trạng viêm loét trực tràng. Nếu tình trạng viêm loét đã ăn sâu vào thành trực tràng, kèm theo hiện tượng chảy máu sẽ khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội.
- Rối loạn phân: Chức năng của cơ quan trực tràng cũng bị ảnh hưởng khi có dấu hiệu viêm loét, chảy máu. Vì thế, chúng khiến bệnh nhân bị rối loạn phân, đi đại tiện ra phân lỏng, chỉ thấy nhầy máu, mót mặn hoặc máu lẫn trong phân.
Ngoài 2 triệu chứng điển hình trên, viêm loét đại trực tràng có chảy máu có thể làm xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sau:
- Trường hợp nhẹ: Có hơn ½ người bệnh bị viêm loét trực tràng bị chảy máu ở mức độ nhẹ chưa có thay đổi nhiều về thể trạng. Bệnh nhân lúc này có thể đi đại tiện dưới 4 lần/ngày và không bị thiếu máu do chảy máu nhiều.
- Trường hợp trung bình: ¼ số bệnh nhân mắc bệnh lý này thường đi đại tiện trên 6 lần/ngày, phân có máu ít. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có tình trạng thiếu máu nhưng có thể phục hồi mà không cần truyền máu. Ngoài ra, bạn còn có thể bị sốt nhẹ, mệt mỏi, mất sức, suy giảm protein máu,…
- Trường hợp nặng: Khoảng 15% bệnh nhân sẽ đi đại tiện hơn 6 lần/ngày, triệu chứng toàn thân cũng trở nên rõ ràng. Ngoài chứng hạ huyết áp, bệnh nhân còn bị thiếu máu, sốt cao, nhịp tim nhanh,… Trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể đi ngoài trên 10 lần/ngày, kèm theo đó là tình trạng thiếu máu, suy kiệt và cần cấp cứu sớm để tránh nguy cơ tử vong.
Phương pháp chẩn đoán
Để xác định bệnh nhân có bị viêm loét đại trực tràng chảy máu hay không, các bạn sĩ sẽ tiến hành kiểm tra theo những phương pháp như sau:
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng được tiến hành thông qua việc đặt ra những câu hỏi nhằm giúp bác sĩ biết được tình trạng mà bệnh nhân đang gặp phải là gì. Sau khi nhận thấy bệnh nhân có những biểu hiện như đau bụng, rối loạn phân, suy dinh dưỡng, thiếu máu hay bị sút cân mà không rõ nguyên nhân,…. Dựa theo những thông tin này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Mặc dù đã có được những thông tin cần thiết, tuy nhiên triệu chứng của bệnh còn khá mơ hồ. Vậy nên để loại bỏ những bệnh lý tiêu hóa khác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nội soi trực tràng để xác định bệnh và các giai đoạn của bệnh. Đồng thời, lúc này bác sĩ cũng có thể phân loại giai đoạn của bệnh theo hình thành nội soi. Cụ thể như:
- Giai đoạn 0: Là giai đoạn đầu của bệnh với những biểu hiện khá mơ hồ. Lúc này mạch máu dưới niêm mạc dần trở nên mỏng và thưa thớt hơn. Thậm chí nếu bệnh mới chớm thì việc xét nghiệm hay nội soi vẫn khó có thể phát hiện ra.
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn bệnh bắt đầu phát triển mạnh hơn, lớp niêm mạc trở nên sần, chỉ còn nhìn thấy phần mạch máu.
- Giai đoạn 2: Những nếp nhăn niêm mạc biến mất, thay vào đó là những ổ loét, không còn nhìn thấy mạch máu dưới niêm mạc. Tuy nhiên, khi đèn nội soi chạm phải thì rất dễ chảy máu.
- Giai đoạn 3: Là giai đoạn bệnh trở nặng với những biểu hiện rõ ràng, niêm mạc sưng phù kèm theo những ổ loét lớn gây ra hiện tượng chảy máu tự phát.
Không chỉ riêng hình ảnh nội soi, các chẩn đoán cận lâm sàng khác cũng sẽ được thực hiện để giúp củng cố tính chính xác cho việc đưa ra kết luận. Theo đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm chẩn đoán bệnh học, CT scan ổ bụng – thành đại tràng, chụp khung đại tràng và làm xét nghiệm.
Biến chứng viêm loét đại trực tràng chảy máu
Viêm loét đại trực tràng chảy máu thường có các biểu hiện lâm sàng tương tự như những bệnh lý dạ dày khác nên nhiều bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, nhập viện muộn. Từ đó gây khó khăn cho việc điều trị cũng như làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Phình đại tràng nhiễm độc với biểu hiện bụng trướng lớn, đau bụng, sốt, sốc do nhiễm độc.
- Chảy máu tiêu hóa thấp.
- Bị hẹp đại tràng do xơ hóa lớp dưới niêm mạc, tăng lớp cơ gây hẹp lòng đại tràng.
- Ung thư đại tràng.
- Thủng đại tràng.
Điều trị viêm loét đại trực tràng chảy máu
Viêm loét đại trực tràng chảy máu sẽ được tiến hành điều trị có kết quả chẩn đoán cụ thể để xác định nguyên nhân. Sau khi đã có những thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị nội khoa, ngoại khoa hoặc có thể kết hợp cả hai. Chi tiết như sau:
Nguyên tắc điều trị
Trước khi tiến hành điều trị, người bệnh cần nắm được những nguyên tắc sau đây:
- Với những người điều trị lần đầu tiên, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để đánh giá mức độ đáp ứng thông qua các triệu chứng lâm sàng trong 10 – 15 ngày.
- Trường hợp đã hoặc đang điều trị có đợt tiến triển nặng hơn sẽ bắt đầu điều trị lại bằng thuốc đang điều trị, cộng thêm 1 loại thuốc khác.
- Những đối tượng đã được điều trị và ngừng điều trị lâu, cần điều trị khởi đầu lại như trường hợp chưa điều trị. Tuy nhiên lúc này bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng loại thuốc khác đánh giá mức độ hiệu quả.
- Với những trường hợp nhẹ ở trực tràng, đại tràng sigma thì nên kết hợp thêm biện pháp đặt viên hậu môn, thuốc thụt,…
- Các biện pháp điều trị sẽ tập trung vào mục đích tấn công hoặc điều trị duy trì.
Điều trị nội khoa
Bệnh nhân bị viêm đại trực tràng chảy máu sẽ cần dùng thuốc theo chỉ định, hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Trường hợp nặng, bị thiếu máu, tụt huyết áp sẽ cần truyền máu để bù vào lượng máu đã mất.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, lựa chọn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Đồng thời nên tránh đồ ăn còn sống, thức ăn cay nóng, dầu mỡ, đồ uống có cồn. Song với những trường hợp quá nặng, bệnh nhân cần nhịn ăn hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ nuôi dưỡng đường tĩnh mạch của bệnh nhân bằng đạm toàn phần cùng dung dịch acid béo, đường nhằm đảm bảo cung cấp đủ 2500 Kcalo/ngày.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng được bổ sung thêm sắt, axit folic với liều lượng ngày 1mg nếu dùng thuốc 5-ASA kéo dài, cộng thêm bồi phụ nước điện giải. Nếu bệnh nhân đi phân lỏng sẽ cần dùng thuốc bọc niêm mạc, đau bụng sẽ dùng thuốc giảm co thắt.
Điều trị ngoại khoa
Ngoại khoa sẽ được tiến hành khi việc điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả và bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý nhanh. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định cắt đoạn đại tràng hoặc cắt toàn bộ đại tràng.
Theo đó, phẫu thuật cắt bỏ sẽ được tiến hành nếu bệnh nhân bị thủng đại tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc, chảy máu ồ ạt, ung thư hóa, dị sản mức độ nặng,…
Viêm đại trực tràng chảy máu nên ăn gì, kiêng gì?
Người bị viêm loét đại trực tràng chảy máu nên ăn và kiêng những thực phẩm sau:
- Ăn các loại cá như cá thu, cá mòi, cá hồi để cung cấp chất đạm, dưỡng chất omega-3 nhằm kích thích cơ thể sản sinh các tế bào – hormone giúp điều hòa quá trình đông máu, làm giảm tình trạng viêm. Tuy nhiên, bạn cần tránh ăn gỏi, cá chiên qua dầu, sushi,…. Thay vào đó, người bệnh nên ăn súp cá, cá hấp hoặc cá khô sẽ tốt hơn.
- Ăn nhiều sữa chua để cung cấp các probiotics có lợi cho đường ruột, tuy nhiên nên chọn sữa chua không đường.
- Thêm hoa quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
- Thực phẩm giàu đạm từ trứng, các loại đậu, thịt trắng,…
- Tránh ăn thực phẩm khó tiêu như đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn được chế biến sẵn, trái cây khô,…
- Không uống rượu bia, trà, đồ uống có ga hay dùng các chất kích thích,…
- Không bỏ bữa hay ăn các đồ ăn lạ, rau quả chưa được rửa sạch như rau sống hoặc quả chưa gọt vỏ,…
- Hạn chế thói quen ăn uống ở hàng quán vỉa hè.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống, chưa được nấu chín kỹ.
- Tránh ăn thực phẩm có chứa lactose như sữa, bánh ngọt vì những thực phẩm này có thể khiến người bệnh dễ bị tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng,…
- Trường hợp bị táo bón, người bệnh cần giảm dung nạp chất béo, tăng cường chất xơ, nhất là dưới dạng hòa tan như insulin, pectin, oligofructose,…
- Với những đối tượng bị tiêu chảy, các bạn nên tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột không bị cọ xát, hạn chế nguy cơ chảy máu nặng hơn.
Biện pháp phòng tránh bệnh
Như đã nói ở trên, viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh tiêu hóa nguy hiểm, chúng có thể gây tử vong. Vậy nên để tránh nguy cơ mắc phải bệnh lý này, các bạn cần biết được những biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu hóa, nhiều chất xơ, ít dầu mỡ. Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ uống có cồn hay sử dụng các chất kích thích khác.
- Sinh hoạt điều độ, tránh làm việc quá sức dẫn tới căng thẳng, stress.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, củng cố sức đề kháng và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc ngay khi phát hiện các bất thường ở hệ tiêu hóa.
Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan tới bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu và biện pháp điều trị hiệu quả. Do là bệnh lý nguy hiểm nên bạn không được chủ quan, hãy xây dựng cho bản thân một thói quen sống lành mạnh, khoa học để tránh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!