Thoái Hóa Khớp Gối

Nhiều người nghĩ rằng thoái hóa khớp gối chỉ xảy ra ở người già. Quan điểm sai lầm này khiến độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, khiến sức khỏe cộng đồng đang bị đe dọa. Hãy trang bị cho mình những kiến thức bổ ích về bệnh thoái hóa khớp gối để chủ động trong phòng ngừa và điều trị ngay khi mới phát hiện.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa xương khớp là tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tốc độ thoái hóa của các vị trí khớp trên cơ thể không giống nhau, các khớp có mật độ cử động nhiều hơn sẽ có xu hướng thoái hóa sớm hơn, điển hình là các khớp gối.

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng các sụn khớp vận động cọ xát trong một thời gian dài khiến lớp đệm khớp bị mài mòn dần, bắt đầu xuất hiện các gai xương, hốc xương. Những hiện tượng này gây ra chứng cứng khớp, khô khớp, đau khi cử động.

Thoái hóa khớp gối có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào
Thoái hóa khớp gối có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào

Khớp gối đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng đỡ cơ thể người, thực hiện các thao tác chính của chân. Không quá khó hiểu khi khớp gối là một trong những vị trí đầu tiên bị thoái hóa.

Quá trình thoái hóa sẽ diễn ra một cách từ từ. Ban đầu, dịch khớp sẽ bắt đầu khô dần, các khớp không tạo được độ ma sát, sụn khớp dần mòn đi, khe khớp hẹp lại. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và khó khăn hơn trong di chuyển, vận động. Theo một vài thống kê, nữ giới có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn so với nam giới; và ở độ tuổi càng cao thì mức chênh lệch càng tăng.

Nguyên nhân chính gây nên thoái hóa khớp gối

Có nhiều nguyên nhân khiến khớp gối bị thoái hóa, cụ thể:

Do tuổi tác

Như đã đề cập ở trên, thoái hóa là cơ chế sinh học tự nhiên của cơ thể con người, không thể tránh khỏi. Khi tuổi tác càng cao, các khớp xương càng trở nên yếu, giòn hơn. Khả năng hấp thụ canxi và glucosamine cũng kém hơn dẫn đến việc không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng sụn khớp. Có thể nói đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây thoái hóa sụn khớp khớp gối.

Do chấn thương

Một khi khớp bị tổn thương sẽ tạo điều kiện xảy ra viêm nhiễm, rất khó lành. Cho dù lành lại cũng dễ bị biến chứng thoái hóa hơn so với các khớp bình thường. Vì là khớp chịu chức năng chủ chốt trong di chuyển và vận động nên khớp rất dễ bị tổn thương. Những tổn thương có thể là do ngã, va đập mạnh,…

Chấn thương khi vận động là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh
Chấn thương khi vận động là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh

Do thói quen, công việc

Rất nhiều người bị thoái hóa, đau khớp gối do tính chất công việc phải tác động lực nhiều lên khớp gối trong một thời gian dài. Những công việc này có thể kể đến như khuân vác, đứng quá lâu, công việc chân tay,… Hoặc những thói quen như thường xuyên cũng có thể khiến khớp gối bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân khiến thoái hóa khớp ngày càng diễn ra phổ biến ở người trẻ tuổi.

Do cân nặng

Thống kê cho thấy tỷ lệ thoái hóa khớp gối ở những người thừa cân béo phì rất lớn. Lý giải cho điều này là do khi cơ thể tăng cân, một áp lực rất lớn tác động lên khớp gối. Khi không thể chịu được áp lực nữa, các đệm khớp dần xẹp, việc xoay trở cũng trở nên khó khăn hơn. Đây là những biểu hiện ban đầu của thoái hóa khớp gối.

Ngoài những lý do điển hình trên đây, việc tập luyện quá sức hay chế độ dinh dưỡng nghèo nàn cũng có thể khiến tình trạng khớp gối yếu dần.

Nhận biết thoái hóa khớp gối như thế nào?

Quá trình thoái hóa diễn ra từ từ nên rất nhiều người vô tình chủ quan với những sự thay đổi ở khớp gối. Khi phát hiện ra thì bệnh đã ở mức độ nặng khiến việc điều trị gặp nhiều cản trở. Dưới đây là những triệu chứng thoái hóa khớp gối theo từng giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát:

  • Lúc này khớp gối chưa hư tổn quá nhiều, người bệnh chỉ có cảm giác đau nhẹ, đau một cách mờ hồ. Cơn đau này không kéo dài và cũng tự hết khiến người bệnh không mấy để ý.
  • Cơn đau thường xuất hiện khi mới ngủ dậy hoặc vận động mạnh.

Giai đoạn thương tổn ở mức trung bình:

  • Dịch khớp bắt đầu có dấu hiệu khô nhiều hơn
  • Cơn đau xuất hiện nhiều hơn và không tự khỏi, đau dai dẳng kéo dài
  • Cơn đau trở nên nhức nhối khi người bệnh đi bộ, đặc biệt là đi lên cầu thang
  • Một vài trường hợp người bệnh phải nhờ đến các thuốc giảm đau để hỗ trợ khi cần thiết

Giai đoạn tổn thương sâu:

  • Dịch khớp gần như ngừng tiết do hao mòn quá nhiều
  • Các đầu khớp cọ xát nhiều hơn hơn khiến đau nhức tăng mạnh
  • Khớp gối bắt đầu có dấu hiệu sưng, có thể sưng một phần hoặc sưng toàn đầu gối
  • Đau nhức kéo dài, cảm giác bứt rứt trong khớp gối nhất là về đêm khi đi ngủ
  • Gặp khó khăn khi nhấc cao đầu gối, đứng lên ngồi xuống, dường như việc đi lên cầu thang là không thể
  • Thỉnh thoảng vận động khớp có nghe thấy âm thanh lộc cộc, rột roạt
  • Một vài trường hợp xấu có thể khiến bệnh nhân bị biến dạng khớp gối
Quá trình thoái hóa phát triển qua từng giai đoạn
Quá trình thoái hóa phát triển qua từng giai đoạn

Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?

Chắc hẳn ai cũng có thể nhận biết được vai trò của khớp đầu gối đối với vận động của chúng ta. Giữa khớp gối với các bộ phận khớp khác có sự liên kết với nhau khá chặt chẽ. Đó là lý do khi khớp gối bị thoái hóa, các bộ phận khác cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng.

Quá trình này nếu không được ngăn chặn, chữa trị sớm có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. cụ thể như:

  • Đau mỏi kéo dài: Những cơn đau ban đầu có thể không đủ để khiến người bệnh để ý nên hầu như mọi người đều ngó lơ. Tuy nhiên, về sau cơn đau ngày càng nặng hơn và không có dấu hiệu tự khỏi. Cơn đau sẽ kéo đến một cách dồn dập và âm ỉ trong xương khiến người bệnh dù đi đứng, ngồi im hay làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy bứt rứt không ngừng.
  • Biến dạng khớp: Khi sụn khớp bị mài mòn, các đầu xương bị xơ cứng, khiến khớp bị biến dạng. Đầu gối lúc này có thể sưng to, chênh lệch hai bên đầu gối rõ ràng.
  • Khó khăn trong vận động hàng ngày: Khi đầu gối đau nhức, biến dạng đồng nghĩa với việc khả năng vận động của người bệnh sẽ bị hạn chế. Không chỉ những vận động mạnh mà ngay cả việc bước đi cũng gặp nhiều cản trở.
  • Teo cơ, bại liệt: Khi các khớp bị tổn thương nặng sẽ rất dễ dẫn đến việc các cơ bị teo, lâu dần có thể khiến tàn tật hoặc bại liệt hoàn toàn.
Đau nhức khi vận động khiến người bệnh bị hạn chế đi lại
Đau nhức khi vận động khiến người bệnh bị hạn chế đi lại

Vậy thoái hóa khớp gối có chữa được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu được chẩn đoán và điều trị trong những giai đoạn khởi phát. Nếu để các sụn khớp bị tổn thương sâu thì chỉ có thể cải thiện và giảm thiểu chứ không thể điều trị tận gốc.

Nguy hiểm của bệnh là ở chỗ, khi bệnh còn nhẹ hầu như người bệnh đều chủ quan với những triệu chứng khởi phát. Chỉ khi đau không chịu được mới đi khám, lúc này nguy cơ điều trị dứt điểm dường như không còn.

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân thoái hóa khớp gối, các bác sĩ sẽ cần thực hiện nhiều kỹ thuật từ xét nghiệm, chụp, siêu âm… Một vài kỹ thuật người bệnh sẽ phải trải qua khi chẩn đoán bao gồm:

  • Chụp X quang thoái hóa khớp gối: Giúp xác định vị trí các gai xương, xác định các dấu hiệu như hẹp khe khớp hay xương khớp dưới sụn bị đặc lại.
  • Siêu âm khớp gối: Với mục đích đánh giá được tình trạng tràn dịch khớp, hẹp khe khớp mức độ nào và còn giúp xác định được độ dày của sụn khớp gối.
  • Chụp MRI: Phương pháp chụp này giúp các bác sĩ có cái nhìn đa chiều về khớp gối bệnh nhân, nhìn nhận rõ các tổn thương của khớp, màng hoạt dịch và dây chằng khớp.
  • Xét nghiệm: Các xét nghiệm với dịch khớp, máu, nước tiểu sẽ được yêu cầu tiến hành.

Các cách điều trị thoái hóa khớp gối điển hình

Điều trị thoái hóa khớp gối trước hết cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

  • Giảm đau trong từng giai đoạn bệnh
  • Tập trung phục hồi chức năng của các khớp, ngăn ngừa tối đa các biến chứng
  • Hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, nhất là với bệnh nhân lớn tuổi
  • Mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân

Hiện nay, điều trị thoái hóa khớp gối cũng đã được thực hiện với nhiều phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp có thể dùng độc lập hoặc kết hợp phụ thuộc vào tình trạng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị bằng thuốc Tây y

Thông thường các trường hợp nhẹ đến vừa phải các bác sĩ đều kê đơn thuốc Tây y điều trị. Một vài loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc này sử dụng trong những trường hợp đau nhẹ, giúp đẩy lùi cơn đau nhanh chóng, tuy nhiên hiệu quả chỉ có trong khoảng từ 4 – 6 tiếng. Loại thuốc điển hình thường dùng là Paracetamol.
  • Thuốc giảm đau không chứa Steroid: Có công dụng giảm thiểu cơn đau, kháng viêm, ngừa viêm. Một số loại thuốc còn có tác dụng hạ sốt. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm: aspirin, diclofenac, ibuprofen,… Các loại thuốc này có thể gây ra phản ứng phụ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, suy thận,… Vậy nên cần đặc biệt chú ý khi dùng.
  • Thuốc giãn cơ: Thường sẽ có tác dụng ức chế trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương nhằm giảm trương lực cơ, giúp thư giãn các cơ, hạn chế tình trạng co cứng cơ. Thuốc giãn cơ thường dùng: Varafil, Myonal,… Dùng thuốc giãn cơ cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, tụt huyết áp, nhược cơ,…
  • Thuốc tiêm corticoid: Tiêm loại thuốc này trực tiếp vào khớp sẽ giảm đau nhanh chóng, tức thì, đồng thời ngăn ngừa các phản ứng viêm; giúp người bệnh cử động khớp dễ dàng hơn.
  • Vitamin nhóm B: Tuy không phải là thuốc điều trị biệt dược nhưng các loại thuốc bổ sung vitamin nhóm B thường được kê đơn đi kèm nhằm cải thiện sức khỏe cho các khớp, giúp việc điều trị trở nên thuận lợi hơn. Các loại vitamin nhóm B thường thấy: vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12.

Thuốc Tây y mặc dù có hiệu quả nhanh nhưng lại không thể trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Hơn nữa, với nhiều cơ địa, thuốc rất dễ gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Tiêm thuốc giảm đau là phương pháp được nhiều người sử dụng
Tiêm thuốc giảm đau là phương pháp được nhiều người sử dụng

Chữa thoái hóa khớp gối bằng bài thuốc dân gian

Không thể không nhắc đến các bài thuốc dân gian chữa thoái hóa khớp, bởi lẽ, đây là những bài thuốc thực sự an toàn và lành tính. Người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà, ngay khi bắt đầu có những dấu hiệu cơn đau ở khớp đầu gối.

Sử dụng lá mơ lông: Có tác dụng rất tốt trong điều trị các bệnh lý liên quan đến xương khớp đặc biệt là đau mỏi khớp, thoái hóa khớp, phong tê thấp. Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá hoặc rễ cây mơ lông và một ít gừng tươi
  • Sơ chế sạch nguyên liệu rồi cho vào sắc cùng nhau
  • Sử dụng nước thuốc, vừa xoa bóp vừa uống trong ngày (có thể thêm đường để dễ uống hơn)

Sử dụng lá lốt: Đây là loài cây nhà lá vườn vô cùng quen thuộc với bệnh nhân viêm đau khớp. Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá lốt tươi, hoặc khô
  • Đem sắc với lượng nước vừa phải, đến khi cạn còn 1 nửa thì lấy ra uống
  • Dùng uống hết trong ngày, sử dụng lặp lại trong vòng 10 ngày hoặc đến khi đau nhức khớp gối giảm hẳn.
Lá lốt là nguyên liệu chữa thoái hóa khớp xương quen thuộc
Lá lốt là nguyên liệu chữa thoái hóa khớp xương quen thuộc

Sử dụng hạt mè: Hạt mè ngâm với rượu trắng giúp giảm thiểu đau nhức ở các khớp bị thoái hóa rất tốt. Có thể sử dụng bài thuốc này khi bị đau mỏi khớp tay, đầu gối, mắt cá chân,… Thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị khoảng nửa bát hạt mè, đem rang vàng đều rồi giã thành bột
  • Cho vào lọ thủy tinh rồi ngâm với khoảng 1 lít rượu trắng
  • Ngâm khoảng 2 tuần thì lấy ra uống mỗi ngày 2 chén nhỏ. Rượu ngâm càng lâu càng có hiệu quả tốt.

Vật lý trị liệu

Phương pháp này vừa được sử dụng trong Đông y lẫn Tây y. Đây là các thao tác kết hợp nhằm phục hồi chức năng khớp gối bị thoái hóa là chủ yếu, thông thường được sử dụng kết hợp với việc dùng thuốc.

Một vài kỹ thuật vật lý trị liệu đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối đó là: chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp, vận động khớp, các bài tập kỹ thuật,…

Việc tập luyện vật lý trị liệu nên có sự theo dõi của bác sĩ, chuyên gia vì các bài tập nếu không làm đúng cách sẽ càng khiến bệnh chuyển biến nặng hơn. Hơn nữa, phương pháp này chỉ được áp dụng trong những trường hợp bệnh nhân không còn biểu hiện sưng, đau, viêm khớp tạm thời.

Vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối
Vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối

Tiêm tế bào gốc chữa thoái hóa khớp gối

Liệu pháp tế bào gốc là một phương pháp khá mới, được áp dụng rất phổ biến ngày nay. Các tế bào gốc sẽ được cấy và nuôi dưỡng từ mô mỡ của chính bệnh nhân và được tiêm trực tiếp vào khớp gối có dấu hiệu thoái hóa.

Các tế bào gốc sau khi được tiêm vào sẽ kích thích, thúc đẩy các tế bào khác hoạt động, phục hồi tổn thương do thoái hóa gây nên.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng trong khoảng 3 – 4 năm, các triệu chứng cơn đau sẽ nhanh chóng quay lại. Với những người cao tuổi, thời gian này lại càng rút ngắn lại. Chưa kể chi phí mỗi lần tiêm rất cao, không phải ai cũng có điều kiện sử dụng.

Phẫu thuật khớp gối

Rất nhiều trường hợp được nhận định là thoái hóa và hư tổn cấp độ nặng. Một phần là do phát hiện muộn, một phần là vì sự chủ quan của bệnh nhân khiến bệnh biến chứng nhanh hơn. Những trường hợp như thế, việc dùng thuốc hay các biện pháp khác hầu như không mang lại hiệu quả. Lúc này, phẫu thuật được chỉ định.

Phẫu thuật khớp gối, các bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các gai xương, cấy ghép tế bào sụn, điều chỉnh xương trục thậm chí là thay khớp gối nhân tạo. Tuy sẽ loại bỏ trực tiếp nguyên nhân gây bệnh nhưng phương pháp này cũng có những rủi ro nhất định, nhất là với các bệnh nhân lớn tuổi. Do đó, trước khi quyết định phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà cần trao đổi kỹ càng với bác sĩ điều trị.

Phẫu thuật được xem là phương án cuối cùng được chỉ định
Phẫu thuật được xem là phương án cuối cùng được chỉ định

Phòng ngừa và cải thiện thoái hóa khớp gối tại nhà

Thực tế, có rất nhiều người vẫn còn suy nghĩ thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng là bệnh lý tuổi già. Tuy nhiên, tình trạng trẻ hóa bệnh đang ngày càng có dấu hiệu rõ rệt, nếu không phòng ngừa sớm, không thể chắc chắn chúng ta sẽ không mắc bệnh trước tuổi 40, thậm chí về sau bệnh càng khó điều trị hơn.

Dưới đây là một số cách phòng ngừa thoái hóa khớp gối được khuyến cáo thực hiện:

Bổ sung dinh dưỡng cho các khớp xương

Thiếu dưỡng chất khiến xương dần yếu và dễ bị mài mòn hơn rất nhiều. Quá trình này lại diễn ra âm thầm khiến người bệnh chủ quan. Những thực phẩm giàu canxi, vitamin D, vitamin K luôn luôn cần thiết dù ở độ tuổi nào.

Ngoài ra, nên tăng cường các thực phẩm có công dụng kháng viêm như nhóm thực phẩm giàu omega 3. Đừng quên tránh xa các đồ ăn dầu mỡ, chất béo, đồ chế biến sẵn, chất kích thích nếu như muốn xương khớp khỏe mạnh.

Tập luyện một cách đều đặn

Đây là một cách giúp phòng ngừa thoái hóa khớp gối cực kỳ hiệu quả. Các bài tập có tác động đến khớp gối, hay càng nhiều khớp xương càng tốt như yoga, bơi lội, đạp xe, đi bộ, squat,… sẽ giúp dây chằng được kéo giãn, khớp xương trở nên linh hoạt hơn.

Lưu ý cần lựa chọn bài tập vừa sức với mình và khởi động thật kỹ trước khi tập để các khớp được làm quen từ từ. Nhiều trường hợp tập luyện khiến dễ mắc bệnh hơn là do các bài tập quá sức khiến khớp xương bị chấn thương. Đừng quên duy trì tập luyện 30 phút mỗi ngày.

Đừng quên duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày
Đừng quên duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày

Kiểm soát cân nặng vừa phải

Như đã biến, cân nặng của chúng ta là một áp lực đáng sợ đối với các khớp đầu gối. Những người bị thừa cân béo phì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người bình thường. Thậm chí những người này cũng có khả năng khỏi bệnh kém hơn.

Có thể sử dụng chỉ số khối cơ thể BMI để xác định xem liệu cân nặng của bản thân liệu có đang quá sức. Thông thường BMI (= cân nặng /[chiều cao*2])được khuyến cáo dao động từ 18,5 – 24,9; nếu chỉ số này nằm trong khoảng >25 từ bạn đang có nguy cơ thừa cân, béo phì.

Thoái hóa khớp gối là bệnh nguy hiểm, nguy cơ mắc cũng rất cao nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể đề phòng. Đừng chủ quan với chính sức khỏe của mình, hãy nhanh chóng khám và chẩn đoán nếu nghi ngờ bị thoái hóa khớp gối.

Array

Chia sẻ

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top