Viêm Khớp Khuỷu Tay
Viêm khớp khuỷu tay không chỉ đem đến những cơn đau nhức kèm sưng tấy vô cùng khó chịu mà còn khiến các hoạt động thường ngày của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các thông tin bệnh lý như nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa có thể giúp bạn trang bị đầy đủ kiến thức để đối phó với tình trạng này một cách dễ dàng hơn.
Viêm khớp khuỷu tay là bệnh gì?
Viêm khớp khuỷu tay là tình trạng đau nhức, viêm sưng tại khu vực nối giữa bắp tay và cẳng tay. So với các tình trạng viêm đầu gối, hông, bàn tay, đau khớp khuỷu tay trái, phải thường hiếm gặp hơn tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của nó đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh lại tương đương.
Bất cứ ai cũng có thể gặp phải vấn đề này, từ nam đến nữ, từ trẻ đến già. Các chuyên gia cũng chia viêm khớp khuỷu tay thành 3 dạng thường gặp bao gồm:
- Viêm khớp dạng thấp: Thể bệnh này là dạng phổ biến nhất gây ra tình trạng đau sưng khớp khuỷu tay. Viêm khớp dạng thấp liên quan đến việc hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn.
- Viêm khớp thoái hóa: Thể bệnh này thường gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới, vì đây là nhóm đối tượng có mức độ vận động chân tay cao. Viêm khớp thoái hóa xảy ra khi lớp sụn đệm bao bọc ở hai đầu đốt xương bị bào mòn do sự lão hóa của cơ thể.
- Viêm khớp sau chấn thương: Thể bệnh này còn được biết đến với cái tên viêm khớp tiến triển. Sau khi người bệnh gặp chấn thương nặng về khuỷu tay, ví dụ như gãy xương hay trật khớp, viêm khớp có thể từ đó mà hình thành và phát triển lặng lẽ theo nhiều năm.
Nguyên nhân viêm khớp khuỷu tay
Viêm khớp khuỷu tay có thể do các nguyên nhân sau đây gây ra:
- Tuổi tác: Tuổi tác cao đi liền với sự lão hóa của cơ thể. Khi cơ thể bước vào giai đoạn này, phần sụn đệm tại khớp khuỷu tay trở nên mỏng và yếu hơn. Điều đó dẫn đến việc hai đốt xương dễ cọ xát vào nhau, gây ra tình trạng viêm đau khó chịu ở người bệnh.
- Rối loạn cơ chế miễn dịch: Hệ miễn dịch vốn có nhiệm vụ tiêu diệt các loại vi khuẩn, dị nguyên gây hại xâm nhập cơ thể trái phép. Tuy nhiên, nếu hệ thống này gặp trục trặc rồi tự ý tấn công các tế bào khỏe mạnh, người bệnh rất dễ gặp phải hiện tượng viêm bất thường. Trong trường hợp tự miễn xảy ra ở mô khớp khuỷu tay, bệnh nhân sẽ bị sưng đau khớp khuỷu tay.
- Tích tụ axit uric trong máu: Axit uric vốn chỉ chiếm một lượng nhỏ trong máu và không có khả năng gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu người bệnh có một chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng với quá nhiều đạm từ thịt động vật thì axit uric có thể dư thừa và tích tụ tại các khớp. Lượng tích tụ quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng viêm sưng khớp khuỷu tay.
- Chấn thương: Các chấn thương như trật khớp, gãy xương,… tại khớp khuỷu tay có thể tạo tiền đề cho bệnh viêm khớp. Lý do là vì khớp khuỷu tay lúc này đã bị tổn thương về cấu trúc và các biện pháp điều trị không thể giúp chúng hồi phục hoàn toàn như lúc ban đầu.
Triệu chứng viêm khớp khuỷu tay
Người bệnh viêm khớp khuỷu tay có thể gặp phải một số các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác đau nhức: Có thể nói rằng đau nhức là biểu hiện điển hình khi khớp khuỷu tay bị viêm. Lúc bệnh ở mức độ khởi phát, người bệnh chỉ cảm nhận được những cơn đau âm ỉ không kéo dài quá lâu. Nhưng ở giai đoạn nặng hơn, cơn đau thường nhói buốt như điện giật rất khó chịu.
- Sưng khớp khuỷu tay: Bên cạnh đau nhức, sưng khớp cũng là triệu chứng thường thấy. Khớp khuỷu tay là khớp xương lớn, vì vậy người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng sưng tấy, đôi khi còn kèm theo cả hiện tượng nóng đỏ.
- Cử động khớp khó khăn: Đây thường là hậu quả của việc đau nhức và sưng khớp kéo dài quá lâu. Khớp khuỷu tay của bệnh nhân lúc này thường khó điều khiển hơn bình thường. Trong một số trường hợp, người bệnh còn nghe thấy những tiếng lục khục khi chuyển động cánh tay.
- Cảm giác ngứa ran hoặc tê rần: Tình trạng này không phổ biến nhưng bệnh nhân cũng có thể gặp phải. Đây thường là do phần khớp bị viêm gây ảnh hưởng đến cả các dây thần kinh chạy qua phần khuỷu tay.
Bệnh viêm khớp khuỷu tay có nguy hiểm không?
Có không ít người thắc mắc về việc bị viêm khớp khuỷu tay có nguy hiểm hay không. Theo các bác sĩ, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này hoàn toàn có thể được kiểm soát và không gây tổn hại quá lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh để viêm khớp phát triển trong thời gian dài thì nguy cơ chứng nguy hiểm sẽ xảy ra:
- Khớp biến dạng: Với những bệnh nhân viêm khớp khuỷu tay, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, tình trạng biến dạng khớp là biến chứng chiếm tỷ lệ khá cao. Lúc này, các khớp bị viêm không còn sưng tấy đơn thuần mà trở nên méo mó về hình dạng, khiến bệnh nhân vận động rất khó khăn. Thậm chí một số trường hợp phải nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật.
- Cuộc sống bị ảnh hưởng: Hậu quả dễ thấy của bệnh viêm khớp ở khuỷu tay là cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng. Các cơn đau nhức kéo dài dai dẳng không chỉ tác động đến sinh hoạt thường nhật mà còn khiến người bệnh ngủ không ngon giấc. Một khi giấc ngủ không được đảm bảo, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái kém tỉnh táo, không thể tập trung làm việc và dễ buồn bực trong người.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Khi gặp phải các triệu chứng của viêm khớp khuỷu tay, người bệnh nên nhanh chóng tìm đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân trả lời một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng và thực hiện các động tác phải sử dụng khuỷu tay để xem xét tổng quát vấn đề.
Sau khi đã khám lâm sàng, người bệnh thường được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh như X-quang và MRI. Những loại kiểm tra này giúp các bác sĩ có cái nhìn chính xác nhất về mức độ tổn thương của khớp khuỷu tay và đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Điều trị viêm khớp khuỷu tay
Phác đồ điều trị viêm khớp khuỷu tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và dạng viêm khớp mà người bệnh gặp phải. Các bệnh nhân nên cố gắng thực hiện theo đúng phác đồ của bác sĩ để hiệu quả chữa trị đạt được tốt nhất. Bệnh nhân có thể tham khảo một số biện pháp Đông – Tây y và dân gian sau đây:
Các bài thuốc dân gian
Biện pháp này thích hợp với những người bệnh ở mức độ vừa và nhẹ hoặc các đối tượng muốn điều trị thay thế tại nhà. Tuy nhiên, vì vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
1. Bài thuốc từ rượu và gừng
Đây là bài thuốc dạng chườm hay được sử dụng với người đau khớp khuỷu tay khi tập gym hoặc một số bộ môn thể thao khác. Gừng có tác dụng chống viêm và giảm đau nhanh trong khi rượu giúp giảm sưng tấy hiệu quả.
Chuẩn bị: 10g gừng sống, 50ml rượu trắng.
Cách thực hiện:
- Gừng sống rửa sạch, nướng sơ với lửa rồi giã nhuyễn.
- Thêm rượu đã hâm nóng vào rồi ủ trong khoảng 10 phút.
- Thoa hỗn hợp lên trên vùng khuỷu tay sưng đau, vừa thoa vừa kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng.
2. Bài thuốc từ lô hội
Cây lô hội được nhiều người sử dụng như một bài thuốc dân gian tại nhà hiệu quả với nhiều loại bệnh. Theo các nghiên cứu y khoa, loại cây này có chứa hàm lượng cao hoạt chất chống oxy hóa có tác dụng giảm đau nhức, sưng tấy và bỏng rộp rất hiệu quả.
Chuẩn bị: 50g lô hội tươi.
Cách thực hiện:
- Lô hội rửa sạch, dùng dao rạch bỏ phần vỏ xanh cứng bên ngoài.
- Phần nhân trong suốt thì thái thành cách lát mỏng hoặc đem xay nhuyễn.
- Dùng phần nhân đã sơ chế như một loại miếng dán giảm đau, đắp lên vùng khuỷu tay trong khoảng 15 đến 20 phút.
3. Bài thuốc từ quế và nghệ
Cả quế và nghệ đều được giới khoa học công nhận về tác dụng giảm sưng tấy và đau nhức do các bệnh liên quan đến xương khớp gây ra. Không chỉ vậy, hai loại dược liệu này còn sở hữu nhiều lợi ích sức khỏe khác như giảm mỡ máu, làm liền vết thương hở, trị rối loạn tiêu hóa,…
Chuẩn bị: 2 thìa cà phê bột quế, 2 thìa cà phê bột nghệ, một ít dầu oliu.
Cách thực hiện:
- Cho tất cả các nguyên liệu trên vào một cái bát sứ, trộn đều thành hỗn hợp mịn.
- Thoa hỗn hợp lên vùng khuỷu tay sưng đau, massage trong 5 đến 10 phút rồi rửa lại với nước ấm.
Tây y điều trị viêm khớp khuỷu tay
Điều trị bằng Tây y thường có 2 phương án: Dùng thuốc tân dược và phẫu thuật. Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh mà các bác sĩ sẽ được ra phương án thích hợp nhất.
Dùng thuốc Tây y
Người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc sau để cải thiện các triệu chứng khó chịu:
- Thuốc chống viêm NSAIDs: Các loại thuốc chống viêm liều nhẹ này giúp giảm thiểu tình trạng sưng tấy đồng thời ức chế các hormone gây viêm, nhờ đó mà bệnh nhân cảm thấy bớt đau nhức hơn. Một số loại NSAIDs phổ biến thường dùng là naproxen, acetaminophen, ibuprofen,…
- Thuốc chống viêm khớp DMARDs: Các loại thuốc DMARDs thường thích hợp với bệnh nhân viêm khớp khuỷu tay dạng thấp hơn. Thuốc giúp ngăn chặn hệ thống miễn dịch gây viêm, nhờ vậy mà tình trạng đau nhức kèm sưng tấy được cải thiện đáng kể. Các bác sĩ cùng thường kết hợp NSAIDs với DMARDs trong điều trị. Ví dụ: Rituximab, methotrexate,…
- Thuốc tiêm steroids: Nếu mức độ đau nhức nặng hơn bình thường, các bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêm tĩnh mạch steroids. Đây là thuốc chống viêm có tác dụng mạnh hơn nhưng hiệu quả thường không kéo dài. Ví dụ: Cortisone.
Biện pháp phẫu thuật
Nếu tình trạng của người bệnh nghiêm trọng hơn cũng như thuốc tân dược không mang lại hiệu quả tốt nhất, phẫu thuật sẽ được áp dụng. Người bệnh cần trao đổi với chuyên gia để lựa chọn loại hình phẫu thuật phù hợp.
- Nội soi khớp: Đối với phương pháp này, các bác sĩ sẽ cắt một đường cắt nhỏ tại khuỷu tay rồi thông qua đó sử dụng thiết bị nội soi loại bỏ phần mô khớp tổn thương. Đường cắt có kích thước nhỏ nên thủ thuật này thường thực hiện nhanh chóng và không mất nhiều thời gian để phục hồi.
- Cắt bỏ bao hoạt dịch: Trong trường hợp viêm khớp nằm trong bao hoạt dịch, phẫu thuật cắt bỏ bao hoạt dịch (Synovectomy) có thể được lựa chọn. Các bác sĩ thực hiện một đường cắt lớn rồi thông qua đó loại bỏ phần bị thương tổn khởi lớp niêm mạc khớp khuỷu tay.
- Phẫu thuật thay thế: Nếu khớp khuỷu tay đã bị tổn thương nghiêm trọng và không thể phục hồi, phẫu thuật thay thế sẽ được thực hiện. Đối với loại phẫu thuật này, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khớp cũ và thay nó bằng một khớp nhân tạo bằng chất liệu đặc biệt.
Viêm khớp khuỷu tay ăn gì, kiêng gì?
Quá trình điều trị của bệnh nhân không chỉ cần quan tâm đến thuốc thang mà còn cả chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm người bệnh thu nạp hàng ngày có thể giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng và tăng cường đáng kể sức khỏe xương khớp. Theo các chuyên gia, thực phẩm tốt cho bệnh nhân viêm khớp gồm:
- Thực phẩm chứa vitamin C với khả năng làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp như kiwi, dứa, táo đỏ, bưởi, dâu tây,…
- Rau họ cải với hợp chất sulforaphane làm chậm quá trình tổn thương ở sụn khớp và tăng cường hoạt chất chống viêm cho cơ thể như bông cải, cải bắp, cải kale,…
- Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ đại dương, cá mú,… giàu axit béo omega-3 với khả năng chống viêm đặc biệt mạnh mẽ.
- Gia vị với đặc tính kháng viêm như bột nghệ, tỏi, gừng, quế,…
Người bệnh cũng nên hạn chế các loại thực phẩm sau đây trong bữa ăn hàng ngày:
- Thịt động vật với hàm lượng axit uric cao như thịt lợn, thịt bê, thịt cừu, nội tạng heo, bò, gà,…
- Các loại dầu thực vật có chứa nhiều axit béo omega-6 không tốt cho tình trạng viêm sưng khớp xương, ví dụ dầu đậu nành, dầu hướng dương,…
- Đồ ăn chế biến theo kiểu nướng, chiên rán ngập dầu hoặc những loại chứa hàm lượng lớn muối và đường.
Đau khớp khuỷu tay phải, trái phòng tránh thế nào?
Để phòng tránh viêm khớp khuỷu tay, mọi người nên tích cực thực hiện các biện pháp sau đây:
- Luyện tập thể dục thể thao, nhất là các bộ môn tác động đến khớp tay. Các dạng vận động thể chất này giúp cơ thể được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng đồng thời đẩy mạnh lưu thông máu đến các cơ xương khớp. Tuy nhiên, mọi người nên lựa chọn các bộ môn cường độ thấp như bơi lội hay yoga.
- Chú ý bảo vệ khuỷu tay trong khi tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, đu xà, chạy tiếp sức,… Đây đều là những hoạt động dễ gây va đập hay ngã, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến phần khuỷu tay. Sử dụng thiết bị bảo vệ là khuyến cáo hàng đầu từ các chuyên gia.
- Xây dựng cho bản thân một lối sống khoa học, lành mạnh và cân bằng. Điều này có thể bắt đầu từ việc chú ý đến các loại thực phẩm thu nạp vào trong cơ thể hàng ngày. Bên cạnh đó, không thức khuya, không lười vận động, không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia cũng là những điều nên được thực hiện.
Viêm khớp khuỷu tay là bệnh lý xương khớp có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến với sức khỏe và đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, mỗi người nên đi thăm khám ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, đừng quên tăng cường bảo vệ sức khỏe bằng việc rèn luyện thể chất và có chế độ ăn uống điều độ, khoa học.
ArrayĐỪNG BỎ LỠ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!