Sưng Khớp Tay
Sưng khớp tay có thể mang đến những cơn đau nhức dai dẳng kèm theo, cảnh báo nhiều vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến với sức khỏe người bệnh. Việc nắm rõ được nguyên nhân gây ra, triệu chứng đi kèm cũng như biện pháp điều trị giúp bệnh nhân có phương án xử lý hiệu quả và thích hợp nhất.
Sưng khớp tay là bệnh gì?
Hiện tượng sưng khớp tay xảy ra khi chất lỏng tích tụ quá nhiều ở bên trong sụn đệm, khiến khu vực khớp tay có cảm giác phồng to lên so với bề mặt da bên ngoài. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này khá đa dạng, có thể kể đến như:
Viêm xương khớp: Viêm xương khớp xảy ra khi sụn đệm bảo vệ khớp tay bị bào mòn quá mức do tác động của thời gian, dẫn đến việc xương dễ va chạm vào nhau, gây nên tình trạng sưng khớp tay, khiến bệnh nhân đau nhức ở khớp tay.
Viêm khớp dạng thấp: Dạng viêm khớp này là nguyên nhân khá phổ biến gây ra tình trạng sưng khớp tay, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh do hệ thống miễn dịch bị rối loạn gây ra, khiến lượng protein gây viêm mất kiểm soát và tấn công các mô sụn khớp tay khỏe mạnh.
Bệnh gout: Nếu người bệnh bị sưng khớp ngón tay, nguyên nhân có thể do bệnh gout. Bệnh thường xảy ra khi cơ thể bị rối loạn quá trình chuyển hóa purin. Người bệnh bên cạnh tình trạng sưng tấy còn có thể gặp phải những cơn đau nhức dữ dội ở khớp tay rất khó chịu.
Viêm khớp vảy nến: Có đến 30% người bệnh vảy nến mắc bệnh viêm khớp vảy nến, đặc biệt là ở các khớp bàn tay. Bệnh vảy nến khiến hệ thống tự miễn được khởi động, dẫn đến việc các kháng thể tấn công ngược lại những mô tế bào khỏe mạnh ở khớp tay, gây nên hiện tượng viêm sưng.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể là kết quả của việc vi khuẩn, virus, nấm men xâm nhập vào bên trong cơ thể rồi bám vào các mô khớp hoặc bao hoạt dịch bên trong khớp để phát triển. Thường thì các vi sinh vật này này di chuyển đến khớp thông qua đường máu. Triệu chứng sưng tấy được xem là dấu hiệu tiêu biểu của tình trạng nhiễm trùng gây viêm khớp.
Chấn thương khớp: Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý, sưng khớp tay có thể xuất phát từ các chấn thương như va đập. Ngoại lực tác động mạnh từ bên ngoài dễ khiến gân cơ, dây chằng và sụn đệm ở khớp tay bị tổn thương, từ đó dẫn đến một số biểu hiện như sưng tấy, đau nhức và căng cứng.
Triệu chứng sưng khớp tay kèm theo
Bên cạnh tình trạng sưng tấy dễ thấy bằng mắt thường, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm khác sau đây:
- Cảm giác đau nhức dữ dội hoặc đau buốt nhói rất khó chịu. Nhiều trường hợp cơn đau kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày.
- Vùng khớp bị sưng tấy khi chạm vào có cảm giác ấm nóng. Nếu nguyên nhân do chấn thương ngoài, ở khu vực viêm sưng của người bệnh còn có thể tụ máu, gây nên tình trạng bầm tím dễ thấy.
- Khớp tay trở nên khô cứng hơn, do vậy mà chuyển động của bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, kèm theo đó có thể là triệu chứng sốt nóng và buồn nôn. Những dấu hiệu này thường xảy ra khi người bệnh bị sưng khớp tay do nhiễm trùng.
Bị sưng khớp tay có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, nếu tình trạng sưng tấy khớp tay bắt nguồn từ các chấn thương bên ngoài thì thường không mang lại nhiều nguy hiểm và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp nguyên nhân là do viêm khớp hay nhiễm trùng, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng sau đây nếu không điều trị kịp thời:
- Khớp bị phân hủy: Nếu các vi sinh vật gây hại xâm nhập vào khớp tay trong một thời gian dài không được phát hiện, chúng có thể phá hủy cấu trúc của khớp. Điều này rất dễ gây ra tình trạng phân hủy khớp, khiến người bệnh bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn phần khớp bị hỏng này.
- Dính khớp, biến dạng khớp: Với các dạng bệnh viêm khớp liên quan đến hệ thống miễn dịch hay bệnh gout, nếu người bệnh không kịp thời có biện pháp xử lý, nguy cơ biến chứng dính khớp, biến dạng khớp có thể xảy ra. Trong trường hợp này, các ngón tay hoặc khu vực cổ tay trở nên cong queo bất thường, người bệnh khó có thể chuyển động tay và cầm nắm.
- Chất lượng cuộc sống suy giảm: Biến chứng dễ nhận thấy nhất ở người bệnh sưng khớp tay lâu ngày chính là việc chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Không chỉ hoạt động thể chất gặp khó khăn mà giấc ngủ của bệnh nhân cũng bị quấy rầy bởi những cơn đau nhức kéo dài dai dẳng.
CLICK ĐỌC NGAY:
Các biện pháp chẩn đoán
Khi đi khám bệnh, các bác sĩ trước tiên sẽ xem xét các triệu chứng biểu hiện bên ngoài, đặc biệt là khu vực bị sưng tấy. Sau đó, họ thường yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác liên quan đến cánh tay để xem mức độ đau nhức mà bệnh nhân gặp phải.
Việc chẩn đoán không chỉ thông qua khám sơ bộ bên ngoài mà còn cần có sự can thiệp của các biện pháp xét nghiệm chuyên sâu khác. Người bệnh có thể phải tiến hành chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ MRI. Hai phương pháp này cho phép bác sĩ quan sát rõ ràng hình ảnh khớp xương để nhận định tình trạng cũng như mức độ tổn thương.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân liên quan đến rối loạn hệ miễn dịch hay nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ phải tiến hành thêm xét nghiệm máu và sinh thiết dịch khớp. Các xét nghiệm này giúp xác định chính xác loại vi sinh vật gây hại đang ẩn náu bên trong khớp tay hoặc sự xuất hiện của kháng thể gây viêm trong cơ thể.
Điều trị sưng khớp tay
Việc điều trị sưng khớp tay hiện nay có rất nhiều biện pháp, từ Tây y, Đông y đến các bài thuốc dân gian. Người bệnh có thể tham khảo một số các cách điều trị được áp dụng nhiều nhất hiện nay dưới đây:
Các bài thuốc Nam tại nhà
Các bài thuốc thảo mộc này thích hợp với những người bị sưng đau khớp tay do chấn thương hoặc các bệnh lý xương khớp ở giai đoạn đầu. Đa phần chúng đều có tác dụng giảm đau, giảm sưng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Do vậy, dân gian lưu ưu tiên áp dụng cách trị bênh viêm khớp bằng thuốc Nam.
1. Chườm lạnh với lá ngải
Lá ngải từ lâu đã được dân gian sử dụng như một loại dược liệu với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Theo đó, lá ngải có tính ấm, quy kinh can thận, giúp giảm đau nhức và chống viêm rất tốt.
Thành phần: 30g lá ngải, ½ thìa canh giấm trắng.
Cách thực hiện:
- Lá ngải sơ chế sạch, giã nát rồi trộn đều với giấm trắng.
- Bỏ hỗn hợp vào ngăn đông tủ lạnh trong khoảng 20 phút, sau đó dùng nó để chườm lên các khớp tay bị sưng tấy. Biện pháp này có thể sử dụng nhiều lần trong ngày.
2. Chườm nóng bằng lá lốt
Theo y học cổ truyền, lá lốt có mùi thơm dịu, tính ấm, đặc tính chính là giảm đau, loại bỏ hàn khí và hạ khí. Chính vì vậy, lá lốt được sử dụng rất nhiều trong các trường hợp đau nhức xương khớp, sưng khớp và tê mỏi chân tay.
Thành phần: 30g lá lốt tươi, 20ml rượu trắng.
Cách thực hiện:
- Lá lốt rửa sạch, để ráo nước rồi đem giã nát, thêm rượu trắng và cho vào chảo đun nóng lên.
- Dùng phần thuốc lá lốt đã chuẩn bị để đắp lên các khớp tay sưng tấy, giữ nguyên trong khoảng 15 đến 20 phút.
3. Trà xanh và quế
Nếu như người bệnh muốn sử dụng bài thuốc uống có hiệu quả lâu dài, trà xanh và quế là một lựa chọn đáng thử. Cả hai loại thảo dược này đều có tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh mẽ, giúp cải thiện đáng kể tình trạng sưng tấy kèm theo đau nhức khó chịu ở các khớp ngón tay, cổ tay.
Thành phần: 10g lá trà xanh, 1 thanh quế nhỏ, mật ong (liều lượng theo khẩu vị).
Cách thực hiện:
- Lá trà sau khi rửa sạch thì cho vào nồi, thêm quế và nước lạnh vào đun sôi.
- Chắt lấy phần nước trà, thêm mật ong và thưởng thức.
Chữa sưng khớp tay bằng Tây y
Tùy vào nguyên nhân gây ra mà các bác sĩ có thể kê đơn một số thuốc Tây y dưới đây:
- Thuốc chống viêm NSAIDs: Hầu hết bệnh nhân sưng đau khớp tay do viêm khớp hay chấn thương đều có thể sử dụng thuốc chống viêm NSAIDs. Các loại thuốc này không chỉ cải thiện nhanh chóng tình trạng sưng tấy mà còn giảm đau nhức hiệu quả. Ví dụ: Naproxen, ibuprofen, aspirin,…
- Thuốc chống viêm steroids: Nếu tình trạng sưng đau nghiêm trọng hơn, thuốc chống viêm liều mạnh steroids có thể được chỉ định. Loại dược phẩm này có cả hai dạng đường tiêm và đường uống, thích hợp sử dụng trong nhiều trường hợp bệnh khác nhau.
- Thuốc chống viêm khớp dạng thấp DMARDs: Với các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp hoặc vảy nến, các bác sĩ thường kết hợp NSAIDs cùng với DMARDs. Các thuốc DMARDs cũng có tác dụng chính là giảm viêm, giảm đau nhờ vào việc ức chế các kháng thể. Một số thuốc DMARDs có thể kể đến là sulfasalazin, methotrexate, leflunomide,…
- Thuốc colchicine: Người bệnh gout có tình trạng sưng tấy khớp tay cấp thường được kê đơn thuốc colchicine. Loại thuốc này có thể nhanh chóng cải thiện cảm giác đau nhức cùng với hiện tượng sưng đỏ khó chịu ở người bệnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng thuốc Tây trị viêm đau khớp. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Sưng khớp tay nên làm gì?
Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh sưng khớp tay cần chú ý một số vấn đề sau đây trong quá trình chăm sóc và điều trị:
- Tăng cường luyện tập các bài tập với khớp tay là một trong những biện pháp giúp rút ngắn thời gian điều trị. Những bài tập này nên được hướng dẫn bởi các chuyên gia vật lý trị liệu. Sau đó, người bệnh có thể tập luyện hàng ngày tại gia với tần suất khoảng 15 đến 20 phút mỗi ngày.
- Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa như rau xanh đậm, rau họ cải, thịt cá biển, ngũ cốc nguyên cám, hoa quả họ cam quýt, các loại quả mỏng và dầu oliu.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thực phẩm với hàm lượng đường cao, thịt động vật và nội tạng động vật với nồng độ cholesterol cao, thức uống chứa cồn như rượu bia.
Phòng tránh sưng khớp tay như thế nào?
Để phòng tránh tình trạng sưng khớp tay, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao để giúp cơ thể trao đổi chất và lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn. Tốt nhất là nên lựa chọn các môn thể thao tác động đến tất cả các khớp như yoga, gym, aerobic, pilates, bơi lội,…
- Tránh sử dụng khớp tay quá mức trong một thời gian dài, ví dụ như mang vác vật nặng bằng tay không, chơi bóng ném, đu xà, bóng chuyền,… trong thời gian dài.
- Xây dựng lối sống lành mạnh, an toàn và đảm bảo sức khỏe từ việc duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống nhiều rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích hay rượu bia,…
- Dành thời gian đi khám sức khỏe ít nhất 2 lần mỗi năm. Điều này giúp bạn phòng tránh hiệu quả các vấn đề liên quan đến thể chất, bao gồm các bệnh xương khớp, nội tạng hay não bộ.
Sưng khớp tay có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý xương khớp khác nhau chứ không chỉ đơn thuần do chấn thương bên ngoài. Vì vậy, nếu tình trạng của bạn không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp tại nhà đơn giản, bạn nên đi khám tại bệnh viện chuyên khó để được hướng dẫn điều trị thích hợp.
XEM THÊM:
Array
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!