Viêm Khớp Tay

Viêm khớp tay là tình trạng thường thấy ở người lớn tuổi, khi cơ thể đã chịu nhiều ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Bên cạnh những cơn đau nhức khó chịu, bệnh nhân có thể bị hạn chế khả năng vận động của tay, khiến sinh hoạt thường ngày gặp nhiều khó khăn. Việc chẩn đoán và chữa trị sớm được khuyến khích đối với người bệnh để làm giảm nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Viêm khớp tay là bệnh gì?

Xương ngón tay, bàn tay, cổ tay và cánh tay đều được nối với nhau bởi các sụn khớp. Các sụn khớp này có thể bị hao mòn theo thời gian, nhất là khi cơ thể con người lão hóa, dẫn đến tình trạng viêm khớp tay phải và tay trái. Cũng theo các chuyên gia, phụ nữ thường có nguy cơ bị đau khớp tay trái, tay phải cao hơn đàn ông. 

Viêm khớp tay xảy ra khi các khớp bị hao mòn
Viêm khớp tay xảy ra khi các khớp bị hao mòn

Bệnh lý này được chia thành hai thể khác nhau, gồm có viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Nếu như viêm xương khớp xuất phát chủ yếu từ vấn đề thoái hóa sụn đệm thì với viêm khớp dạng thấp còn có sự tác động của yếu tố tự miễn dịch. Tự miễn dịch là hiện tượng hệ thống miễn dịch bị rối loạn và tấn công ngược lại các mô khỏe mạnh ở sụn khớp, từ đó dẫn đến tình trạng viêm và sưng tấy.

Người bệnh đau khớp tay phải, tay trái cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc để bệnh diễn tiến trong một thời gian dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe, thậm chí một số trường hợp nặng còn phải nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật.

Nguyên nhân bệnh viêm khớp tay

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp tay. Trong đó, căn nguyên chính là do sự thoái hóa và tổn thương của sụn đệm. Sụn đệm vốn có nhiệm vụ ngăn cản ma sát và không để các đòn xương va chạm vào nhau trong quá trình chuyển động. Tuy nhiên, theo thời gian, sụn đệm sẽ dần dần hao mòn đi, dẫn đến hiện tượng xương mài trực tiếp vào xương, gây nên cảm giác đau nhức, khô cứng khớp.

Bên cạnh nguyên nhân này, đau khớp cánh tay phải, trái còn có thể liên quan đến một số yếu tố khác sau đây:

  • Hệ thống miễn dịch: Nếu hệ thống miễn dịch bị rối loạn, cơ thể con người sẽ tự sản sinh ra protein gây viêm rồi tấn công những mô sụn khớp khỏe mạnh.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc phải chứng viêm khớp sẽ gia tăng theo tuổi tác. Bởi khi cơ thể càng già đi, tiến trình lão hóa cũng xảy ra nhanh chóng hơn.
  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy việc trong gia đình có người bị viêm đau khớp tay, ví dụ như cha mẹ hay ông bà có thể khiến nguy cơ mắc bệnh lý này ở thế hệ con cháu cao hơn thông thường.
  • Lối sống kém lành mạnh: Một số thói quen xấu như ít vận động, ăn nhiều chất đạm từ thịt đỏ, hút thuốc lá,… có thể khiến chất lượng xương khớp bị ảnh hưởng và nhanh bị thoái hóa hơn.
  • Có tiền sử chấn thương: Những người đã từng bị chấn thương ở khớp tay, ví dụ như tai nạn xe, ngã khi chơi thể thao,…. được cho là có tỷ lệ mắc phải viêm xương khớp tay cao hơn người bình thường.
Người cao tuổi có nguy cơ mắc viêm xương khớp tay cao hơn
Người cao tuổi có nguy cơ mắc viêm xương khớp tay cao hơn

Triệu chứng viêm khớp tay

Người bệnh viêm khớp tay có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác đau nhức tại các khớp tay như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu tay. Đôi khi cảm giác đau nhức trở nên nhói buốt tận sâu bên trong xương đặc biệt khó chịu.
  • Bệnh nhân bị sưng khớp tay, nóng đỏ tại các khớp tay. Trong một số trường hợp, tại các khớp bàn tay có thể nổi các nốt cứng chai.
  • Các khớp trở nên khô cứng và kém linh hoạt hơn. Người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển cánh tay, duỗi thẳng ngón tay hoặc dùng tay để cầm nắm đồ vật. Tình trạng này biểu hiện rõ rệt nhất vào buổi sáng ngủ dậy, khi cơ thể không chuyển động sau một khoảng thời gian dài.
  • Tay trở nên yếu sức, mất sức hơn. 
  • Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn không có cảm giác ngon miệng.

Viêm khớp tay có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ, trong trường hợp được phát hiện và điều trị kịp thời, người bị viêm khớp bàn tay sẽ không gặp phải bất kỳ nguy hiểm nào. Nhưng nếu thời gian ủ bệnh lâu hơn, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng sau đây:

  • Chất lượng cuộc sống giảm sút: Một trong những hệ quả dễ nhận thấy nhất nếu bệnh tiến triển nặng chính là việc chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút nghiêm trọng. Không chỉ gặp khó khăn trong các cử động liên quan đến tay mà giấc ngủ của bệnh nhân cũng kém hơn do tình trạng đau nhức kéo dài dai dẳng cả ban đêm. Từ đó kéo theo vấn đề suy nhược thể chất và thần trí kẽm minh mẫn, tỉnh táo.  
  • Biến dạng khớp: Các khớp tay nếu bị viêm sưng nghiêm trọng có thể còn bị biến dạng. Đặc biệt nếu viêm khớp bàn tay khiến khớp ngón tay bị biến dạng, người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng cầm nắm đồ vật.
  • Khớp hỏng vĩnh viễn: Khớp bị hỏng vĩnh viễn là biến chứng nguy hiểm nhất mà người bệnh có thể gặp phải. Lúc này, khớp tay đã không còn thực hiện được chức năng của nó, người bệnh buộc phải loại bỏ nó ra khỏi cơ thể để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe khác.
Biến dạng khớp là một trong các biến chứng người bệnh thường gặp phải
Biến dạng khớp là một trong các biến chứng người bệnh thường gặp phải

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Để xác định chính xác nguyên nhân nằm sau những cơn đau nhức khớp tay của người bệnh, trước tiên các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tiền sử bệnh án. Họ cũng xem xét các biểu hiện lâm sàng mà người bệnh gặp phải và hỏi kỹ hơn một số vấn đề liên quan đến triệu chứng như cảm giác đau, tần suất xảy ra,…

Sau khi đã khám sơ bộ, các bác sĩ chuyển sang chẩn đoán viêm khớp tay bằng các xét nghiệm hình ảnh chuyên sâu hơn. Các phương pháp như MRI cộng hưởng từ, X-quang, chụp CT,… có thể cho thấy rõ sự xói mòn của các khớp hoặc tình trạng va chạm giữa các đốt xương thông qua kết quả hình ảnh.

Nếu các bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm khớp dạng thấp, họ có thể chỉ định thêm xét nghiệm máu để xác định sự hiện diện của một số loại kháng thể như CCP trong máu. Điều này giúp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về bệnh trạng của người bệnh, từ đó xây dựng phương án điều trị hiệu quả.

ĐỪNG BỎ LỠ:

Các cách điều trị viêm khớp tay

Cách chữa viêm khớp tay hiện nay rất đa dạng, bao gồm các biện pháp tại nhà, Đông y cho đến việc sử dụng Tây y. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến và công hiệu nhất hiện nay:

Các biện pháp tại nhà

Các biện pháp tại nhà thường có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu, thích hợp với những trường hợp viêm khớp ở giai đoạn khởi phát. Người bị đau khớp tay khi mang thai cũng có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp này vì tính an toàn và ít gây kích ứng.

1. Chườm nóng với lá ngải cứu

Lá ngải cứu, hay còn gọi là ngải diệp, là một vị thuốc dân gian được dùng rất phổ biến trong các bệnh liên quan đến xương khớp. Theo y học cổ truyền, vị thuốc này có tính ấm, tác dụng chính là chi thống (giảm đau) và cầm máu. Vì vậy mà rất nhiều người truyền tai nhau cách dùng ngải cứu trị bệnh viêm khớp.

Bài thuốc chườm từ ngải cứu có tác dụng giảm đau hiệu quả
Bài thuốc chườm từ ngải cứu có tác dụng giảm đau hiệu quả

Thành phần: 100g lá ngải cứu, 1 đến 2 thìa cà phê muối trắng.

Cách thực hiện:

  • Các nguyên liệu đã chuẩn bị cho vào chảo và rang nóng lên.
  • Cho chúng vào túi chườm rồi áp lên vùng bị đau nhức, thời dài chườm khoảng 5 đến 7 phút.

2. Bài thuốc ngâm với lá lốt

Lá lốt (tên khác: Tất bát) cũng là một trong các loại dược liệu có tác dụng hỗ trợ hiệu quả các chứng bệnh đau nhức khớp xương. Lá lốt mùi thơm, vị ngọt, tính ấm, đặc biệt thích hợp dùng với các trường hợp đau mỏi chân tay, xương khớp, rối loạn tiêu hóa, cơ thể suy nhược.

Thành phần: 50g lá lốt, 500ml nước lạnh.

Cách thực hiện:

  • Lá lốt vò nát rồi bỏ vào nồi, thêm nước đã chuẩn bị và đun sôi kỹ.
  • Chắt nước lá vào một cái chậu, đợi cho nguội bớt rồi ngâm tay vào trong đó, thời gian ngâm khoảng 10 đến 15 phút mỗi ngày. 

3. Trà quế giảm đau nhức

Quế có chứa một lượng lớn các hoạt chất chống viêm, chống oxy hóa rất tốt cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng trà quế thường xuyên không chỉ giúp cải thiện đáng kể các cơn đau nhức khớp mà còn giúp giảm mỡ máu và phòng ngừa bệnh lý tim mạch.

Trà quế giúp giảm đau nhức xương khớp và phòng ngừa các bệnh tim mạch
Trà quế giúp giảm đau nhức xương khớp và phòng ngừa các bệnh tim mạch

Thành phần: 1 đến 2 thanh quế sấy, 500ml nước lọc, mật ong (tùy theo khẩu vị).

Cách thực hiện:

  • Cho quế vào nồi, thêm nước rồi đun sôi.
  • Đợi khi trà nguội bớt thì đổ vào cốc, thêm mật ong tùy theo khẩu vị, khuấy đều rồi thưởng thức.

Trị viêm khớp tay bằng Tây y

Vì viêm đau khớp tay có nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thoái hóa khớp nên hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có khả năng điều trị dứt điểm. Các loại tân dược được sử dụng chỉ có khả năng cải thiện triệu chứng đồng thời ngăn không cho tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm. Dưới đây là một số thuốc trị viêm khớp tay được dùng rộng rãi và phổ biến nhất:

  • Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs): Các loại thuốc chống viêm này là phương pháp điều trị được nhiều người bệnh áp dụng. Bên cạnh tác dụng chống viêm sưng, thuốc còn có khả năng giảm đau nhức trong thời gian ngắn. Người bệnh có thể tìm mua naproxen và ibuprofen, hai dạng thuốc NSAIDs thường dùng với các bệnh xương khớp nhất.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Các loại thuốc này còn được biết đến với tên gọi DMARD. Chúng có khả năng giảm đau nhức khớp xương và ngăn ngừa tổn thương khớp hiệu quả. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được kê đơn DMARD và NSAIDs cùng nhau để tác dụng điều trị tốt hơn. Ví dụ về thuốc DMARD: Methotrexate, leflunomide,…
  • Thuốc tiêm cortisone: Với những trường hợp viêm khớp tay dạng thấp có sự liên quan của hệ miễn dịch, thuốc tiêm cortisone có thể được sử dụng. Loại thuốc này kiểm soát cơn đau khá tốt nhưng lại có nhược điểm là chỉ hiệu quả với bệnh nhân viêm hai khớp trở xuống. Với trường hợp viêm đa khớp, các bác sĩ có thể phải dùng kết hợp thêm axit hyaluronic. 
Thuốc chống viêm NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị viêm đau khớp tay
Thuốc chống viêm NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị viêm đau khớp tay

Không chỉ vấn đề “Viêm khớp tay uống thuốc gì?” nhận được sự quan tâm, nhiều người bệnh cũng thắc mắc liệu tình trạng này có phải phẫu thuật hay không. Theo các chuyên gia, với các bệnh nhân đã bị biến dạng khớp hoặc khớp mất chức năng vĩnh viễn, khả năng phải can thiệp ngoại khoa là rất cao, việc sử dụng thuốc trị bệnh viêm đau khớp gần như chỉ có tác dụng hỗ trợ. Các phương pháp phẫu thuật thay khớp nhân tạo thường được sử dụng với những ca bệnh này.

Viêm khớp tay kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Người bệnh viêm khớp tay cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Theo các chuyên gia, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung thêm:

  • Thịt cá là nguồn cung cấp omega-3 có khả năng chống viêm tuyệt vời. Ví dụ: Cá mú, cá hồi, cá chim, cá ngừ đại dương,….
  • Các loại hạt có chứa nhiều protein, chất xơ và axit béo không bão hòa, nổi bật có thể kể đến như óc chó, hồ trăn, hạt thông, hạnh nhân, macca, hạt chia,…
  • Trái cây có múi họ cam quýt như cam, bưởi, chanh,… cung cấp nguồn vitamin C dồi dào. Bên cạnh đó là các loại rau xanh có chứa nhiều vitamin K như bông cải xanh, rau bina, rau diếp, cải xoăn,…
  • Ngũ cốc nguyên cám với nguồn chất xơ dễ tiêu hóa, không chứa đường nên ít gây kích ứng viêm khớp, ví dụ như hạt quinoa, bột mì nguyên cám, bột yến mạch,…
Người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Người bệnh nên có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Các chuyên gia cũng khuyến nghị bệnh nhân nên kiêng dùng:

  • Đường tinh luyện và những thực phẩm có chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo,…
  • Thực phẩm chế biến bằng phương pháp chiên ngập dầu như gà rán, khoai tây rán,…
  • Thực phẩm chế biến sẵn và đồ hộp như thịt hộp, sausage, bim bim,…
  • Thức uống chứa ethanol như rượu hay bia.

Cách phòng tránh tình trạng đau khớp tay

Để phòng tránh viêm khớp tay, bạn nên lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Tích cực tham gia tập luyện các bộ môn thể dục thể thao, thời gian tập tối thiểu là 30 phút hàng ngày. Nên lựa chọn các bộ môn tác động khớp toàn thân, bao gồm cả khớp tay đồng thời có cường độ luyện tập vừa phải như yoga, aerobic, bơi lội,…
  • Tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây tươi, thịt trắng, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám giàu chất xơ…. Bên cạnh đó, bạn nên tránh sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, chất kích thích, thuốc lá và các đồ uống chứa cồn như rượu và bia.
  • Tránh chấn thương trong khi chơi thể thao bằng các sử dụng bao tay hoặc miếng bảo vệ khuỷu tay, nhất là khi bạn tham gia các môn yêu cầu sử dụng lực tay nhiều.
  • Nếu công việc yêu cầu các động tác kéo, đẩy, nâng liên quan đến tay, hãy đặc biệt chú ý trong quá trình thực hiện, tránh làm quá sức.
  • Đi khám sức khỏe tổng thể 2 lần mỗi năm để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và nhận được sự tư vấn hữu ích từ bác sĩ.

Bài viết trên hy vọng đã mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin cần thiết liên quan đến chứng bệnh viêm khớp tay. Để đảm bảo sức khỏe cho khớp tay, bạn nên chú ý trong quá trình hoạt động, chơi thể thao hàng ngày cũng như tăng cường bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN: Đau khớp gối khi chạy bộ là bệnh gì? Nguyên nhân và cách xử lý

Array

Chia sẻ

Cách chữa
Thuốc chữa

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top