Viêm Đại Tràng Giả Mạc
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh tiêu hóa khá phổ biến, có nguy cơ dẫn tới hàng loạt những biến chứng nguy hiểm như cơ thể bị suy kiệt, mất nước, thủng ruột kết, nhiễm khuẩn ổ bụng, thậm chí là tử vong,… Để giúp bạn đọc hiểu hơn về bệnh lý, nắm được nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị cụ thể, chúng tôi đã tìm hiểu và tổng hợp ngay tại bài viết này. Mời bạn đọc tham khảo.
Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Viêm đại tràng giả mạc là tình trạng viêm đại tràng cấp tính, gây ra hiện tượng đau bụng, tiêu chảy, sốt cao,… Nếu trước đây, bệnh lý này chỉ gặp ở những đối tượng sau phẫu thuật điều trị tại đại tràng thì tới nay phần lớn các trường hợp đều do biến chứng từ quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh. Một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng có nguy cơ làm tăng sinh quá mức vi khuẩn C.diff hay còn gọi là Clostridium Difficile.
Được biết, Clostridium Difficile là một loại thuộc chủng vi khuẩn kỵ khí gram dương. Khi xâm nhập vào đường ruột, chúng sẽ tiết ra độc tố mạnh, làm kích thích phản ứng viêm, tăng bài tiết. Sau đó làm lớp niêm mạc đại tràng hình thành lớp giả niêm mạc có màu trắng, dễ bong. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, lớp giả mạc này bong ra sẽ gây viêm loét, chảy máu niêm mạc đại tràng.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh
Bên cạnh những yếu tố như đã từng phẫu thuật, đang điều trị ung thư hoặc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài,… Bệnh viêm đại tràng giả mạc còn có nguy cơ xuất hiện nhiều ở những đối tượng sau:
- Người trên 65 tuổi.
- Có vết bỏng trên cơ thể.
- Trường hợp đã từng điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt – ICU.
- Từng phẫu thuật cắt lớp – phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Có vấn đề về thận.
- Mắc bệnh về ruột kết như ung thư đại trực tràng, viêm ruột,…
- Đối tượng đang hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế bơm proton, làm giảm axit trong dạ dày.
- Người từng bị nhiễm C.diff.
Triệu chứng nhận biết viêm đại tràng giả mạc
Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể khởi phát chỉ sau khi dùng thuốc kháng sinh khoảng 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp sau 1 tuần sử dụng kháng sinh mới có triệu chứng. Tùy theo mức độ viêm nhiễm nặng hay nhẹ, các biểu hiện của bệnh ở mỗi người cũng có sự khác biệt. Nhưng tựu chung lại vẫn có những dấu hiệu nhận biết điển hình như:
- Người bệnh bị tiêu chảy, đi ngoài ra phân nước, có lẫn máu, chất nhầy hoặc mủ. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài khiến cơ thể bị mất nước, điện giải, mắt trũng sâu, da xanh xao, môi khô, suy nhược cơ thể,…
- Sốt do cơ thể phản ứng với tình trạng viêm.
- Xuất hiện cơn đau quặn ở vùng bụng dưới, bụng có hiện tượng bị chướng, sưng to trong trường hợp nặng.
- Ăn uống không ngon miệng, thường xuyên bị buồn nôn, nôn và sụt cân nhanh chóng.
Khi nào cần tới bệnh viện thăm khám?
Viêm đại tràng giả mạc trong trường hợp nào cần đi khám là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo đó, nếu có những triệu chứng sau đây thì bạn cần nhanh chóng thu xếp thời gian tới bệnh viện kiểm tra ngay:
- Bị tiêu chảy mức độ nặng, đi ngoài ngày trên 5 lần.
- Đau quặn bụng, đau dữ dội và kéo dài.
- Phân có lẫn máu, mủ.
- Vị sốt cao hơn 39 độ, có cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý đường tiêu hóa chủ yếu hình thành do sử dụng thuốc kháng sinh hoặc do bệnh lý, thói quen ăn uống không hợp lý,… Chi tiết như sau:
Tác dụng phụ của kháng sinh
Như chúng ta cũng biết, vi khuẩn trong đường ruột tồn tại một cách cân bằng, lành mạnh và tự nhiên, gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh, thuốc Tây quá nhiều có thể làm đảo lộn trật tự này.
Nếu vi khuẩn bất lợi, nhất là C. difficile phát triển vượt mức cho phép sẽ tiết ra các độc tố, tác động lên niêm mạc đại tràng gây viêm, tăng bài tiết và tạo thành lớp giả mạc màu trắng. Khi lớp giả mạc mềm này bong ra sẽ dẫn tới tình trạng viêm, loét, làm tổn thương đại tràng.
Phần lớn các loại kháng sinh đều có thể gây viêm đại tràng giả mạc, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là nhóm thuốc sau:
- Fluoroquinolones: Ciprofloxacin (Cipro®) và levofloxacin (levaquin®).
- Penicillin: Chẳng hạn như amoxicillin hay ampicillin.
- Clindamycin (Cleocin®).
- Cephalosporin: Phổ biến nhất là Cefixime (Suprax®),…
Do bệnh lý, hóa trị, trị liệu
Hóa trị liệu thường được áp dụng cho những trường hợp bị ung thư. Tuy nhiên, biện pháp này cũng phá vỡ sự cân bằng bình thường của vi khuẩn ở đại tràng và hình thành bệnh. Ngoài ra, các bệnh lý có liên quan tới đường tiêu hóa như ung thư đại tràng, viêm ruột, bệnh crohn, viêm loét đại tràng,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng viêm đại tràng giả mạc.
Yếu tố làm tăng nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh viêm đại tràng giả mạc còn có thể xuất hiện do những yếu tố làm tăng nguy cơ như:
- Người có thói quen ăn uống không khoa học, hay sử dụng thực phẩm được chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ đông lạnh, ăn khuya, ăn quá no hoặc để bụng quá đói,…
- Ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn đồ chưa chín, chưa được chế biến, sơ chế kỹ, uống nước lã, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm,…
- Trường hợp từng phẫu thuật đường ruột như cắt ruột thừa, cắt ruột do tắc ruột, cắt polyp,…
- Người cao tuổi, người có sức khỏe – sức đề kháng kém, suy giảm hệ miễn dịch,…
- Trường hợp đang tiếp nhận hóa trị, xạ trị để chữa bệnh ung thư.
- Đối tượng bị bệnh mãn tính về đại tràng như viêm loét đại tràng, đau đại tràng,…
- Người già trong viện dưỡng lão, người phải thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị nội trú.
Viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh
Viêm đại tràng giả mạc là bệnh lý quá nguy hiểm, việc không được tiến hành điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân có thể phải đối diện với những biến chứng nghiêm trọng như:
- Mất nước: Những đối tượng bị tiêu chảy nặng có thể dẫn tới mất nhiều nước, chất điện giải. Mặt khác có thể gây tụt huyết áp, không đủ khả năng đưa máu đi nuôi cơ thể.
- Phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon): Tình trạng này khá hiếm gặp, xảy ra khi đại tràng không thể tống khi và phân ra ngoài, khiến bộ phận này phình lớn. Nếu không được tiến hành xử lý sớm, ruột già có thể vỡ, làm vi khuẩn lan vào ổ bụng và gây viêm khắp khoang bụng.
- Suy thận: Là hiện tượng thận không được cung cấp đủ máu, chức năng thận suy giảm.
- Thủng ruột: Đây cũng là tình trạng hiếm gặp nhưng chính là kết quả của tổn thương niêm mạc ruột hoặc sau khi bị phình đại tràng, nhiễm độc.
- Tử vong: Trường hợp nhiễm C.difficile nhẹ tới trung bình cũng có thể làm tăng nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp sớm.
Lưu ý: Bệnh có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần sau khi điều trị thành công.
Cách chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc sẽ được tiến hành thực hiện theo những phương pháp sau:
- Xét nghiệm máu: Khi xét nghiệm máu có thể chỉ ra được số của bạch cầu có đang tăng bất thường hay không. Trường hợp bạch cầu tăng kèm theo tình trạng tiêu chảy, rất có thể bạn đã bị nhiễm trùng C. difficile.
- Xét nghiệm mẫu phân: Đại tràng là nơi chứa chất thải của cơ thể nên việc lấy một số mẫu phân khác nhau để xét nghiệm sẽ cho kết quả chuẩn xác hơn, nếu có nhiễm C. difficile.
- Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma: Nội soi sẽ cho bác sĩ biết chính xác tình hình bên trong đại tràng. Nếu xuất hiện các mảng màu vàng, vết sưng trong ruột già thì khả năng cao là do viêm đại tràng giả mạc. Để thực hiện, bác sĩ sẽ dùng một ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong ruột già.
- Xét nghiệm hình ảnh: Cho phép phát hiện các biến chứng nếu có như phình đại tràng, vỡ ruột,…
Cách điều trị viêm đại tràng giả mạc hiệu quả
Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm đại tràng màng giả là bệnh lý có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu được phát hiện, điều trị sớm và đúng cách thì khả năng trị khỏi bệnh lá rất cao. Song song với đó, bệnh nhân cũng cần tránh xa các tác nhân có nguy cơ gây bệnh để làm giảm triệu chứng. Nếu sau khi ngừng thuốc mà bệnh vẫn tái diễn, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để được tiến hành điều trị theo phương pháp khác. Cụ thể như sau:
Dừng kháng sinh hiện tại
Nếu viêm đại tràng màng giả do kháng sinh hiện tại thì bác sĩ sẽ đề nghị bạn dừng ngay loại thuốc này. Điều này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ cải thiện các dấu hiệu của bệnh, đặc biệt là tình trạng tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần trong ngày.
Dùng kháng sinh khác
Lúc này, để ngăn chặn bệnh tiến triển xấu hơn, bệnh nhân cần chuyển qua điều trị bằng loại kháng sinh khác có tác dụng chống lại vi khuẩn C.difficile. Bên cạnh đó cũng giúp các loại vi khuẩn khác phát triển bình thường để tránh làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Với những đối tượng bị bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh theo đường tiêm hoặc đưa vào dạ dày thông qua ống mũi.
Phương pháp cấy vi khuẩn
Trong trường hợp thay đổi kháng sinh điều trị không mang lại hiệu quả tốt, bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân nên cấy vi khuẩn. Biện pháp này được tiến hành bằng cách đưa viên nang có chứa vi khuẩn có lợi vào trong dạ dày bằng ống thông đường mũi hoặc chèn vào ruột già. Từ đó giúp cân bằng nhanh chóng hệ vi sinh đường ruột, giúp bệnh phục hồi tốt.
Tiến hành phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được tiến hành khi bệnh viêm đại tràng giả mạc có biến chứng. Nếu nhận thấy bệnh đã tiến triển tới mức bị phình đại tràng, vỡ đại tràng hoặc viêm phúc mạc thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để làm nguy cơ tử vong.
Lời khuyên khi chăm sóc người bệnh viêm đại tràng giả mạc
Trong trường hợp bệnh nhân đủ khỏe để tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau đây để làm giảm triệu chứng, tránh nhiễm trùng lây lan, tiến triển nghiêm trọng hơn bằng cách:
- Cho bệnh nhân sử dụng đầy đủ các loại kháng sinh theo đúng hướng dẫn được kê đơn từ bác sĩ.
- Khuyến khích bệnh nhân uống nhiều nước, bởi nước sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc, cải thiện hệ tiêu hóa tốt. Ngoài ra, bạn cũng có thể để bệnh nhân dùng thêm chất lỏng có chứa natri, kali (chất điện giải) theo hướng dẫn của bác sĩ. Tích cực uống nước lọc, nước ép trái cây, nước canh,… Đồng thời tránh dùng đồ uống chứa nhiều đường, caffeine như trà, cà phê, nước ngọt có ga vì có thể khiến bệnh trở nặng hơn.
- Tuyệt đối không dùng thuốc chống tiêu chảy nếu không có sự chỉ định từ bác sĩ.
- Nên ăn thực phẩm đơn giản như súp, gạo, mì ống, bánh mì,… Tránh dùng thức ăn có khả năng gây kích thích dạ dày, đại tràng, đặc biệt là thức ăn cay nóng, chứa nhiều chất béo, chiên dầu mỡ, nhiều chất bảo quản,…
- Thường xuyên rửa tay và luôn vệ sinh đồ vật, nhà cửa sạch sẽ,… Tránh ăn chung bát, thìa, đũa với người bệnh, đồng thời nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh bị lây nhiễm chéo.
Bên cạnh đó, người bệnh cần ở nhà ít nhất 48 giờ sau đợt tiêu chảy cuối cùng. Song song với đó người nhà hoặc chính bệnh nhân nên liên lạc thường xuyên với bác sĩ để có những biện pháp điều chỉnh, can thiệp kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.
Biện pháp ngăn chặn bệnh viêm đại tràng giả mạc
Muốn ngăn chặn tốt tình trạng lây lan của vi khuẩn Clostridium Difficile, bệnh nhân, bác sĩ và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác cần tuân thủ theo hướng dẫn kiểm soát nhiễm trùng nghiêm ngặt. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả mà bạn cần nắm được:
- Cách ly người bệnh: Những trường hợp nhập viện do nhiễm Clostridium Difficile cần nằm phòng riêng hoặc ở chung phòng với những người mắc bệnh tương tự. Nhân viên bệnh viện, người nhà của bệnh nhân cần đeo găng tay một lần, mặc áo choàng khi tiếp xúc với người bệnh.
- Rửa tay thường xuyên: Nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân cần vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi điều trị. Trường hợp dịch Clostridium Difficile bùng phát, nên dùng xà phòng, nước ấm để vệ sinh tay, vùng da tiếp xúc. Lưu ý, các chất khử trùng tay có chứa cồn không thể tiêu diệt hiệu quả tế bào Clostridium Difficile.
- Tránh dùng kháng sinh khi không cần thiết: Thuốc kháng sinh nhiều khi được kê đơn cho những bệnh do virus không thuộc chức năng của loại thuốc này. Do vậy, nếu không phải trường hợp cấp thiết, bạn không nên dùng thuốc kháng sinh. Hãy yêu cầu bác sĩ kê toa loại thuốc có phạm vi hẹp, dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Vệ sinh kỹ lưỡng: Cho dù là môi trường chăm sóc sức khỏe nào, các nhân viên vệ sinh, bác sĩ cũng cần khử trùng cẩn thận bằng các sản phẩm có chứa chất tẩy clo. Bởi các bào tử Clostridium Difficile có thể tồn tại khi tiếp xúc với những sản phẩm tẩy rửa thông thường khác.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, tốt nhất hãy tới bệnh viện uy tín để thăm khám, kiểm tra trước khi tiến hành điều trị.
Trên đây là những thông tin về tình trạng viêm đại tràng giả mạc, cách điều trị và các biến chứng liên quan. Nhìn chung, đây là bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nên cần nhận biết sớm và điều trị kịp thời. Mặt khác, bạn cũng cần chú ý hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, không tự ý mua thuốc, dùng thuốc để tránh nguy cơ mắc bệnh.
Array
Phần lớn các trường hợp có xuất hiện polyp đại tràng đều khá lành tính. Tuy nhiên chúng có thể biến thành u ác tính và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nên cần cắt bỏ sớm. Vậy sau cắt polyp đại tràng có mọc lại không, làm cách nào để ngăn ngừa tình trạng này? Những vấn đề thắc mắc trên sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây. Cắt polyp đại tràng có mọc lại không? Polyp đại tràng chính là sự tăng trưởng bất thường của tế bào...
Xem chi tiếtNước dừa là thức uống chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là giàu muối khoáng, canxi, magie và kali, chất điện giải,... Tuy nhiên người bị viêm đại tràng uống nước dừa được không, tại sao và cần lưu ý gì khi uống? Nếu bạn cũng đang quan tâm về vấn đề này thì có thể dành chút thời gian tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi. Viêm đại tràng uống nước dừa được không? Nước dừa từ lâu đã được xem là loại nước giải khát tốt cho sức khỏe. Song với những người bị bệnh tiêu...
Xem chi tiết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!