Xẹp Đĩa Đệm
Xẹp đĩa đệm có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tình trạng này thường xảy ra ở người cao tuổi nên nguy cơ tổn hại sức khỏe và hoạt động sinh hoạt thường ngày càng cao hơn. Bạn đọc quan tâm và muốn tìm hiểu về chủ đề nói trên đừng bỏ qua những thông tin tổng hợp trong bài viết sau đây.
Xẹp đĩa đệm là bệnh gì?
Xẹp đĩa đệm cột sống xảy ra khi những đĩa đệm nằm giữa các đốt xương sống mất đi cấu trúc ban đầu, dẫn đến việc độ dày của đĩa suy giảm. Đĩa đệm bị xẹp khiến cho cấu trúc của cột sống mất cân bằng, ổn định, từ đó gây ra những cơn đau nhức khó chịu và kéo dài dai dẳng.
Tình trạng này thường gặp nhất ở vùng đốt sống cổ hoặc thắt lưng. Chính vì vậy mà y học chia bệnh thành hai dạng là xẹp đĩa đệm cổ và xẹp đĩa phần lưng dưới. Đối với dạng bệnh ở thắt lưng, vị trí đốt sống L4 – L5, L5 – S1 lại chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
Theo các bác sĩ, bệnh xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi vì đây là giai đoạn cơ thể bị thoái hóa và hao mòn bởi thời gian. Các trường hợp nhẹ có thể không gây ra ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp đĩa đệm bị xẹp tiến triển nặng với nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân xẹp đĩa đệm
Các nguyên nhân gây xẹp đĩa đệm có thể kể đến là:
- Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi lớp sụn đệm ở đầu khớp xương bị bào mòn theo thời gian, cấu trúc cột sống và đĩa đệm nằm giữa cũng bị ảnh hưởng không ít. Sự suy thoái diễn ra âm thầm, về lâu dài có thể dẫn đến hiện tượng đĩa đệm xẹp và mất đi kết cấu ban đầu.
- Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm được cấu tạo bởi bao cơ xơ và nhân mềm bên trong. Khi lớp bao cơ xơ rách vỡ, nhân mềm chảy ra ngoài, khiến cấu trúc của đĩa đệm bị mất cân bằng gây bệnh lý thoát vị đĩa đệm. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, đĩa đệm dần trở nên xẹp hơn so với bình thường.
- Thoái hóa đĩa đệm: Tình trạng thoái hóa của đĩa đệm xảy ra khi cơ thể con người già đi. Đĩa đệm vốn đảm nhận nhiệm vụ giảm xóc, giúp cơ thể chuyển động linh hoạt và dễ dàng hơn. Vì thế, đĩa đệm là một bộ phận bị bào mòn sớm nhất. Thoái hóa đĩa đệm gồm nhiều vấn đề, trong đó phổ biến hơn cả là xẹp đĩa và phồng đĩa đệm.
- Chấn thương ở cột sống: Chấn thương vùng cột sống có thể do tai nạn giao thông, chơi thể thao, tai nạn lao động,… Những chấn thương này rất dễ gây ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống, bao gồm cả đĩa đệm và sụn khớp. Hậu quả là nguy cơ đĩa đệm bị xẹp xảy ra cao hơn.
- Béo phì: Theo các bác sĩ, người thừa cân béo phì có nguy cơ bị đĩa đệm xẹp cao hơn bình thường. Nguyên nhân là vì trọng lượng cơ thể gây ra áp lực lớn lên cột sống, đặc biệt là hai khu vực cổ gáy và thắt lưng.
Triệu chứng xẹp đĩa đệm
Các triệu chứng xảy ra khi đĩa đệm bị xẹp chèn ép lên dây thần kinh xung quanh hoặc đĩa xẹp khiến hai đốt xương dễ dàng cọ xát vào nhau trong quá trình cơ thể chuyển động. Tùy vào vị trí xảy ra xẹp đĩa đệm mà người bệnh có các biểu hiện khác nhau, cụ thể như sau:
Xẹp đĩa ở vùng cổ: Với trường hợp này, bệnh nhân có các triệu chứng:
- Cảm giác đau mỏi ở sau gáy. Cơn đau sau đó thường lan rộng xuống bả vai, cánh tay, bàn tay và các ngón tay.
- Tê ngứa, tê buốt ở cánh tay, bàn tay và cả ngón tay. Bàn tay cũng trở nên yếu và mất sức hơn, khiến việc cầm nắm khó khăn.
- Phạm vi chuyển động của cổ bị thu hẹp lại, bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi thực hiện động tác xoay cổ hoặc cúi, nâng đầu.
Xẹp đĩa đệm L4 – L5, L5 – S1 và các khu vực khác ở lưng: Với trường hợp này, các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau ở lưng, đặc biệt là khu vực lưng dưới. Tình trạng đau nhức khó chịu có thể lan rộng đến vùng mông, đùi, chân và bàn chân.
- Cảm giác tê, ngứa râm ran chạy dọc hai chân và bàn chân.
- Hai chân yếu sức hơn, người bệnh khó có thể đứng vững.
- Phạm vi chuyển động của thắt lưng bị giới hạn, khi thực hiện cúi người cảm thấy khó khăn.
Bệnh xẹp đĩa đệm có nguy hiểm không? Có chữa được không?
Bên cạnh những vấn đề như triệu chứng hay nguyên nhân, xẹp đĩa đệm có chữa được không, có nguy hiểm không cũng là thắc mắc của không ít bệnh nhân. Theo các bác sĩ, tình trạng này liên quan chủ yếu đến thoái hóa và vấn đề tuổi tác vì vậy nên không có cách điều trị dứt điểm. Người bệnh dùng thuốc nhằm duy trì và cải thiện triệu chứng.
Nếu bệnh không được phát hiện và xử lý sớm, nó có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, nhất là nếu đĩa đệm chèn lên dây thần kinh. Trong một số trường hợp, người bệnh bị hội chứng đuôi ngựa, khiến bàng quang và đường ruột mất kiểm soát. Nghiêm trọng hơn, khi đĩa đệm bị xẹp nằm ở khu vực thắt lưng, nơi có nhiều dây thần kinh liên quan đến chi dưới, bệnh nhân có khả năng bị mất cảm giác hoặc bại liệt hai chân.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Xẹp đĩa đệm có thể được chẩn đoán thông qua các biện pháp dưới đây:
- Bài kiểm tra thể chất: Kiểm tra thể chất giúp xác định triệu chứng bên ngoài và mức độ ảnh hưởng của chúng đến người bệnh. Các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện vài động tác liên quan đến cổ gáy hoặc thắt lưng đồng thời hỏi một số vấn đề về tiền sử triệu chứng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Đối với những tình trạng xương khớp và đĩa đệm, các xét nghiệm hình ảnh bắt buộc phải thực hiện. Những phương pháp như X-quang, CT, MRI, discogram giúp chuyên gia nhận định chính xác khu vực đĩa đệm xẹp cũng như ảnh hưởng của chúng với dây thần kinh lân cận.
Xẹp đĩa đệm điều trị thế nào?
Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng mà các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện xây dựng phác đồ điều trị cụ thể. Hiện nay, những cách chữa bệnh xẹp đĩa đệm phổ biến nhất có thể kể đến là:
Các bài thuốc dân gian
Bài thuốc dân gian thường hỗ trợ điều trị hiệu quả với những trường hợp bệnh vừa và nhẹ. Các bài thuốc gồm có:
1. Rượu thuốc từ vỏ bưởi
Vỏ bưởi có chứa một lượng lớn tinh dầu với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau hữu hiệu. Công thức rượu thuốc này được sử dụng theo đường uống vì vậy người bệnh nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Chuẩn bị: Vỏ bưởi, chanh xanh, ngải cứu, đường phèn và rượu nếp.
Cách thực hiện:
- Dùng lò nướng sấy khô các nguyên liệu vỏ bưởi, chanh xanh và ngải cứu.
- Xếp các vị thuốc đã sấy xen kẽ với đường phèn trong lọ thủy tinh, đổ rượu vào và ngâm trong 1 tháng.
- Sau thời gian ngâm, người bệnh dùng với liều lượng ½ chén hạt mít một lần uống.
2. Rượu xoa bóp từ gừng tươi
Gừng tươi không chỉ là một loại gia vị thảo mộc mà còn sở hữu nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Theo Đông y, gừng được gọi là sinh khương, có tính ấm và mùi thơm, công dụng chống viêm, giảm đau hiệu quả.
Chuẩn bị: 1 củ gừng tươi, rượu trắng cao độ.
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa kĩ, để ráo nước rồi cắt thành các lát dày khoảng 1 đến 2mm.
- Cho gừng vào lọ, đổ rượu vào và ngâm trong 2 tháng.
- Sử dụng rượu gừng để xoa bóp cho các khu vực bị đau nhức khó chịu.
3. Giảm đau nhanh với ngải cứu
Người bệnh xẹp đĩa đệm thường xuyên bị đau nhức khó chịu có thể thử áp dụng bài thuốc từ lá ngải cứu. Lá ngải cứu theo y học cổ truyền có tác dụng cầm máu, giảm đau và chống sưng tấy ngoài da rất hiệu nghiệm.
Chuẩn bị: Ngải cứu tươi (số lượng tùy theo diện tích vùng bị đau).
Cách thực hiện:
- Cho lá ngải cứu vào chảo rồi rang nóng. Đắp lá thuốc đã chuẩn bị lên vùng đau nhức, thời gian khoảng 30 phút.
- Người bệnh nên thực hiện biện pháp này đều đặn hàng ngày.
Điều trị xẹp đĩa đệm bằng Tây y
Các biện pháp Tây y dùng trong điều trị tình trạng đĩa đệm xẹp có thể kể đến là:
- Thuốc uống: Đa phần các trường hợp bệnh nhân đều sử dụng thuốc uống để giảm đau và hạn chế tình trạng viêm. Đối với những trường hợp nhẹ, thuốc chống viêm NSAIDs như ibuprofen, acetaminophen,… sẽ được kê đơn. Nếu cơn đau nặng và dai dẳng hơn, người bệnh có thể dùng các loại thuốc liều mạnh hơn như opioid, methotrexate,…
- Tiêm cortisone: Cortisone cũng được áp dụng với những trường hợp đau nặng. Thuốc được tiêm trực tiếp vào cột sống nhằm giúp người bệnh giảm đau, giảm viêm nhanh chóng. Liều lượng thuốc kê đơn phụ thuộc vào từng ca bệnh cụ thể.
- Vật lý trị liệu: Bên cạnh việc dùng thuốc, những bài tập vật lý trị liệu cũng được cân nhắc đối với người bệnh. Thông qua các bài tập được xây dựng bởi chuyên gia, chức năng cột sống của bệnh nhân được cải thiện, nhờ đó mà tình trạng đau nhức, tê ngứa thuyên giảm đáng kể.
- Phẫu thuật: Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không phát huy tác dụng, phẫu thuật là lựa chọn cần thiết. Phẫu thuật thường giúp loại bỏ hoàn toàn đĩa đệm bị hư hỏng, đảm bảo sức khỏe cột sống và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng xảy ra.
Người bệnh nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Người bệnh xẹp đĩa đệm nên ăn các loại thực phẩm sau đây:
- Rau xanh đậm giúp bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ và tăng cường đề kháng. Ví dụ: Cải bắp tím, cải kale, ớt chuông,…
- Thịt cá nước ngọt hoặc cá biển với nguồn axit béo omega-3 dồi dào như rô phi, thu phấn, cá hồi, cá trắm,…
- Ngũ cốc nguyên hạt với chất xơ hòa tan, protein thực vật và hàm lượng chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Ví dụ: Gạo lứt, hạt chia, hạt bobo, diêm mạch,..
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên kiêng ăn:
- Đồ ăn chế biến với quá nhiều dầu mỡ như gà chiên, khoai tây rán, pizza,…
- Đồ chế biến sẵn, đồ hộp và những loại nước ngọt đóng chai có nhiều đường hóa học.
- Dầu thực vật từ hạt cải, hạt đậu nành,… chứa nhiều omega-6 có thể kích thích tình trạng viêm sưng và đau nhức do thoát vị đĩa đệm cổ, xẹp đĩa đệm,…
Phòng tránh bệnh xẹp đĩa đệm
Để phòng tránh xẹp đĩa đệm, bạn nên chú ý đến những vấn đề sau đây:
- Tăng cường rèn luyện sức khỏe cột sống bằng các bài tập thể hình, thể dục thể thao khác nhau. Luyện tập ở mức độ vừa phải và có sử dụng các thiết bị bảo hộ cần thiết để tránh chấn thương.
- Hạn chế ngồi quá lâu trong khi học tập và làm việc. Tốt nhất là sau khi ngồi khoảng 45 phút thì bạn nên dành từ 10 đến 15 phút để thư giãn và thả lỏng cho cột sống, nhất là vùng thắt lưng.
- Theo dõi cân nặng của cơ thể thường xuyên. Nếu nhận thấy bản thân có dấu hiệu tăng cân quá mức, hãy tích cực điều chỉnh bằng cách biện pháp lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, hạn chế tinh bột và luyện tập thể thao nhiều hơn.
Chữa xẹp đĩa đệm ở đâu?
Người bệnh xẹp đĩa đệm có nhu cầu thăm khám và điều trị nên tham khảo một số địa chỉ sau đây:
- Bệnh viện E Hà Nội: Nhắc đến các đơn vị khám xương khớp hiệu quả, không thể không kể đến bệnh viện E Hà Nội. Đơn vị này thành lập trung tâm Cơ xương khớp với đội ngũ bác sĩ giỏi, máy móc thiết bị hiện đại giúp thăm khám cũng như điều trị tất cả những trường hợp bệnh từ nhẹ đến nặng. Địa chỉ bệnh viện E: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Hà Nội – Điện thoại 024 3754 3650.
- Bệnh viện Việt Đức: Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện công có quy mô lớn ở thủ đô Hà Nội mỗi năm phục vụ cho hàng triệu lượt bệnh nhân. Khoa Xương khớp của bệnh viện được nhiều người bệnh đánh giá cao nhờ vào việc sở hữu những bác sĩ chuyên khoa giỏi và luôn cập nhật những phương pháp điều trị mới nhất. Địa chỉ của Bệnh viện Việt Đức: 16 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội – Điện thoại liên hệ: 024 3825 3531.
Xẹp đĩa đệm dù không có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương sức khỏe nghiêm trọng. Chính vì vậy, nếu người bệnh nghi ngờ đĩa đệm cột sống có vấn đề thì nên dành thời gian đi khám sớm tại bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
ArrayNỘI DUNG LIÊN QUAN:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!